5 năm sau thảm hoạ kép ở Nhật Bản, chỉ 440 người trong tổng dân số 8.000 người dân thị trấn Naraha quay trở lại quê hương, nhiều ngôi nhà đã bị bỏ hoang hoàn toàn.
Tokuo Hayakawa là một trong số ít người dân quay lại Naraha, kể từ khi thị trấn bắt đầu chào đón người dân trở lại cách đây 5 tháng. Trong ngôi đền cổ 600 năm tuổi ở Naraha, thị trấn đầu tiên ở Fukushima mở cửa trở lại sau thảm hoạ động đất sóng thần năm 2011, Hayakawa đang cầm theo một thiết bị đo và mặc chiếc áo choàng được gắn những tấm phù hiệu in dòng chữ "Nói không với năng lượng hạt nhân".
Cách đây 5 năm, một trong những trận động đất mạnh nhất lịch sử đã gây rung lắc khu vực phía đông bắc của Nhật Bản, kéo theo những cơn sóng thần cao hơn 10 m. Thảm hoạ kép năm 2011 gây thảm hoạ nặng nề nhất cho đất nước mặt trời mọc kể từ sau Thế chiến II, khiến nhiều gia đình mất nhà cửa và gây khủng hoảng nặng nề vì sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Hơn 19.000 người dân Nhật Bản đã thiệt mạng, nhiều thị trấn gần đó phải sơ tán và thiệt hại ước tính lên đến 150 tỷ USD.
Thị trấn bỏ hoang
Nằm ở rìa khu vực sơ tán quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, thị trấn Naraha được coi là một mô hình tái thiết sau thảm hoạ. Nhưng chỉ 440 người trong tổng số hơn 8.000 người dân Naraha quay trở lại quê hương. 70% trong số đó đã hơn 60 tuổi.
|
Những chiếc túi đựng đất nhiễm phóng xạ và rác thải chất đống gần một ngọn đồi ở Fukushima. Ảnh: Reuters
|
"Nơi này chắc chắn sẽ tuyệt chủng thôi", Hayakawa nói. Cụ ông 76 tuổi kể rằng ông không thể trồng thực phẩm vì sợ rằng những cánh đồng lúa vẫn bị nhiễm xạ. Những chiếc túi nilong chứa đầy đất nhiễm xạ và các mảnh vụn nằm rải rác trên nhiều cánh đồng bỏ hoang.
"Làm sống lại thị trấn này là điều không thể. Tôi quay lại đây để chứng kiến nó đang chết dần", ông buồn bã nói.
Trước khi thảm hoạ xảy ra, 50 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân đáp ứng 30% nhu cầu năng lượng quốc gia. Nhưng giờ đây, chỉ ba lò phản ứng khởi động lại sau thời gian dài ngưng hoạt động.
Hơn 160.000 người đã sơ tán khỏi các thị trấn xung quanh nhà máy hạt nhân Daiichi. Khoảng 10% vẫn sống trong các căn nhà tạm ở khắp Fukushima. Hầu hết người dân đã định cư ở nơi khác và bắt đầu cuộc sống mới.
Tại Naraha, hai nhà hàng, một siêu thị và một bưu điện trong các ngôi nhà tạm bợ được coi là trung tâm mua sắm chính của thành phố. Các nhà hàng đều đóng cửa lúc 3h chiều. Không đứa trẻ nào xuất hiện ở công viên chính của Naraha một buổi sáng gần đây. Trong khi đó, những chiếc túi đựng chất thải phóng xạ được nhìn thấy khắp nơi, từ trên rừng, gần bãi biển hay những cánh đồng lúa. Nhiều ngôi nhà bị hư hại sau trận động đất và sóng thần đã bị bỏ hoang.
Hầu hết cư dân của Naraha đều là công nhân. Họ đang hỗ trợ việc đóng lò phản ứng của nhà máy Daiichi, hay tham gia các dự án khử nhiễm xạ quanh thị trấn. Những người khác đang xây dựng một đập ngăn mới. Họ sống trong khu ký túc xá được chỉnh trang lại từ một sân golf cũ trước đây hoặc thuê nhà của các gia đình.
"Naraha giờ là thị trấn công nhân rồi" Kiyo Matsumoto, 63 tuổi, cho biết. Các con và cháu của bà không có ý định quay lại đây.
|
Khung cảnh hoang vắng ở thị trấn Namie , Fukushima. Ảnh: Reuters |
Nỗi lo hồi sinh
Người dân nói rằng tương lai của Naraha giờ phụ thuộc vào thế hệ trẻ. Nhưng chỉ 12 người ở độ tuổi dưới 30 trở về thị trấn vì lo ngại vấn đề phóng xạ.
Mức độ bức xạ ở Naraha dao động 0,07-0,49 microsievert/giờ vào tháng 1, hay 0,61-4,3 millisievert/năm. Trong khi đó, mục tiêu của chính phủ Nhật Bản là 1 millisievert/năm. Tại Mỹ, mức độ tiếp xúc của một người với bức xạ nền tự nhiên là 3 millisievert/năm.
"Việc tái thiết Naraha được kỳ vọng sẽ là một mô hình mẫu để người dân quay trở về các thị trấn khác sau thảm hoạ", Cơ quan Tái thiết Nhật Bản cho hay.
Trong một chuyến thăm thị trấn, Thủ tướng Shinzo Abe từng nhắc lại khẩu hiệu: "Nếu không tái thiết Fukushima, sẽ không có tái thiết vùng đông bắc của Nhật Bản. Nếu không tái thiết khu vực này, sẽ không có sự hồi sinh đất nước Nhật Bản. "
Nhưng đối với số ít người quay trở lại, những gì mà cơ quan chức năng đang thực hiện ở Naraha không có ý nghĩa. Một người dân giấu tên thắc mắc: "Tôi không hiểu tại sao ông Abe lại đến đây". Trong khi đó, cụ Hayakawa cho rằng ý tưởng đưa Naraha thành một mô hình tái thiết chỉ là một lời nói dối.
"Không có tái thiết và cũng không có chuyện thị trấn sẽ trở lại như trước ngày 11/3/2011. Chính phủ cũng biết điều này. Một mô hình ư? Đó chỉ là những lời nói suông mà thôi", ông nói.
>> Chùm ảnh gây sốc về Fukushima gần 5 năm sau thảm họa sóng thần lịch sử
>> Ảnh: Bên trong vùng cấm nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Theo Hoàng Anh (Zing.vn)