Vua Thái bị chỉ trích vì đi Đức nghỉ dưỡng giữa Covid-19

24/03/2020 14:32:56

Người dùng mạng Thái Lan tức giận khi Vua Vajirusongkorn ở lại tư dinh tại Đức khi nước này có hơn 700 ca nhiễm COVID-19.

Vua Thái bị chỉ trích vì đi Đức nghỉ dưỡng giữa Covid-19
Quốc vương Thái Lan Maha Vajirusongkor trong lễ rước hoàng gia ở Bangkok năm 2019. Ảnh: AP.

Đại dịch trên toàn thế giới đang dẫn đến sự gia tăng hiếm hoi các bài viết trên mạng xã hội ở Thái Lan, nghi ngờ Vua Maha Vajirusongkorn và chế độ quân chủ. Hôm 21/3, một bộ trưởng Thái Lan cảnh báo rằng chủ nhân các bài viết "không phù hợp" có thể bị đi tù bởi xúc phạm chế độ quân chủ là tội ác, bị phạt lên tới 15 năm tù ở đất nước chùa vàng.

Tuy nhiên, một hashtag bằng tiếng Thái có nghĩa #whydoweneedaking? (tạm dịch: Tại sao chúng ta cần một vị vua?) vẫn trở thành một trong những chủ đề có xu hướng hàng đầu trên Twitter ở Thái Lan, sau khi một nhà hoạt động người Thái ở nước ngoài đăng bài Vua Vajirusongkorn tiếp tục nghỉ dưỡng ở Đức giữa cuộc khủng hoảng Covid-19.

Theo trang tin Bild, vị vua 67 tuổi, đăng quang năm ngoái, có ngôi nhà thứ hai trên hồ Starnberg ở Đức. Ông dành phần lớn thời gian đi du lịch ngoài Thái Lan.

Vua Thái bị chỉ trích vì đi Đức nghỉ dưỡng giữa Covid-19 - 1
Vua Vajirusongkorn mặc croptop đi mua sắm ở Munich, Đức năm 2017. Ảnh: Cen.

Chỉ trong ngày 21/3, dòng hashtag trên được sử dụng 1,2 triệu lần, theo dữ liệu trên Twitter. Cung điện hoàng gia Thái Lan không bình luận về bài viết. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số Puttipong Punnakanta đã đăng một cảnh báo kèm hình ảnh bàn tay bị còng phía sau bàn phím.

"Tôi không muốn bình luận. Tôi không ám chỉ gì cả - đây là một lời nhắc nhở chung. Chúng tôi theo dõi tất cả các vấn đề, chẳng hạn như tin giả. Chúng tôi theo dõi thường xuyên nhất có thể. Chúng tôi tôn trọng tự do phát ngôn nhưng nếu nó gây ra thiệt hại, chúng tôi sẽ áp dụng luật pháp", Reuters trích lời ông Punnakanta trả lời phỏng vấn hôm 22/3.

Khi được hỏi liệu chính phủ có hành động trước bài đăng của những người dùng Twitter hay không, phát ngôn viên Narumon Pinyosinwat khẳng định đang theo dõi tình hình và chính phủ sẽ hành động theo sự tham vấn của các cơ quan an ninh.

Thái Lan là quốc gia quân chủ lập hiến kể từ cuộc cách mạng năm 1932, chấm dứt sự cai trị tuyệt đối của hoàng gia. Tuy nhiên, chế độ quân chủ vẫn là trung tâm của văn hóa truyền thống Thái Lan. Thậm chí, một số người Thái còn coi nhà vua là thánh sống.

Vua Thái bị chỉ trích vì đi Đức nghỉ dưỡng giữa Covid-19 - 2
Hoàng hậu Suthida Vajiralongkorn na Ayudhya quỳ rạp dưới chân chồng trong lễ cưới hôm 1/5/2019. Ảnh: EPA.

Hồi tháng 1, Thái Lan là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm nCoV. Nhưng cho đến trước tháng 3, nước này chỉ có 42 trường hợp nhiễm bệnh. Trong 3 tuần qua, số ca bệnh ở Thái Lan tăng vọt lên mỗi ngày và hiện có 721 trường hợp nhiễm nCoV, một người chết.

Do đó, Thái Lan đang phải áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, trong đó bất kỳ du khách nước ngoài nào, cả công dân Thái Lan trở về từ nước ngoài, đều cần giấy thông hành đặc biệt mới được nhập cảnh. Ngoài ra, Bangkok cũng đóng cửa các quán bar và trường học trong 22 ngày, chỉ cho phép siêu thị mở cửa. Các tỉnh khác của Thái Lan cũng đang dần áp dụng các biện pháp hạn chế tương tự.

Theo Tùng Anh (Ngoisao.net)

Nổi bật