Michael Hotung, còn được gọi là Mạch Thuấn Minh, đã nộp đơn kiện vào ngày 8/1 tại Tòa án Tối cao Hong Kong chống lại bác của mình là Hà Hồng Sân (Stanley Ho), Hà Uyển Hồng và nhà điều hành sòng bạc Sociedade de Turismo e Diversoes de Macau (STDM) tại Macau.
Trong đó, ông tuyên bố cổ tức của hơn 6.000 cổ phiếu trong STDM do người mẹ quá cố của ông từng mua đã không được chi trả kể từ năm 2007. Ông cũng đang yêu cầu thanh toán lãi cho số tiền này.
Theo South China Morning Post, các nguồn tin thân cận cho biết Mạch Thuấn Minh muốn bồi thường 2 tỷ đôla Hong Kong.
STDM là nhà điều hành sòng bạc hàng đầu do Hà Hồng Sân đồng sáng lập cách đây hơn nửa thế kỷ. Cho đến năm 2000, sòng bạc này vẫn được hưởng độc quyền trong ngành công nghiệp cờ bạc Macau. Kể từ đó, các nhà khai thác khác đã được cấp giấy phép kinh doanh cờ bạc.
Mạch Thuấn Minh thực hiện vụ kiện pháp lý thay mặt cho di sản của mẹ mình là Hà Uyển Kỳ (Winnie Ho), người qua đời ở tuổi 95 vào tháng 6 năm ngoái. Theo hồ sơ pháp lý, Hà Uyển Kỳ, một trong nhiều chị em của Hà Hồng Sân đã đầu tư và tham gia điều hành STDM ở Macau trong những năm 1960 và 1970.
Mạch Thuấn Minh là con ngoài giá thú của bà và người tình bí mật, tỷ phú Hà Hồng Chương (Eric Hotung), người qua đời vào tháng 10/2017.
Quan hệ giữa vua sòng bạc và em gái trở nên căng thẳng giữa hàng loạt tranh chấp pháp lý kể từ năm 2000 về việc kiểm soát STDM.
Hà Uyển Kỳ được cho là đã đầu tư hàng triệu USD vào STDM từ năm 1962 và sở hữu 6.263 cổ phiếu, chiếm 7,34% STDM vào năm 2008, khi công ty con SJM Holdings được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong.
Bà nhận được các khoản thanh toán cổ tức hàng năm từ năm 1962 đến năm 2006 nhưng việc thanh toán bị ngừng sau năm 2007. Kể từ khi mẹ qua đời, Mạch Thuấn Minh đã yêu cầu cậu của mình là Hà Hồng Sân công nhận bất động sản và quyền sở hữu 6.263 cổ phiếu trong STDM của Hà Uyển Kỳ cũng như các khoản thanh toán cổ tức còn nợ nhưng bị STDM từ chối trong khi Hà Hồng Sân không phản hồi.
"Tôi không còn coi nó là em gái", Hà Hồng Sân tuyên bố sau khi cuộc họp cổ đông năm 2005 loại bỏ Hà Uyển Kỳ khỏi hội đồng quản trị.
Sau đó, Hà Uyển Kỳ đã đệ trình hơn 30 vụ kiện chống lại anh trai về các khoản nợ, hành vi phỉ báng và tranh chấp cổ phần. Tất cả chỉ được giải quyết trong năm 2008 để mở đường cho việc niêm yết của SJM.
Theo Tuyết Mai (Tri Thức Trực Tuyến)