Hình chạm khắc trên cột trụ tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy vụ va chạm sao chổi cách đây 13.000 năm giúp hình thành nền văn minh đầu tiên của con người.
Một phần trụ đá được khai quật tại Gobekli Tepe. Ảnh: Alistair Coombs. |
Các nhà khoa học tin rằng ký hiệu khắc trên trụ đá ở Gobekli Tepe, Thổ Nhĩ Kỳ đã mô tả một vụ sao chổi va chạm với Trái Đất cách đây hơn 13.000 năm. Sự việc này gây ra một kỷ băng hà ngắn, dẫn tới sự tuyệt chủng cho nhiều loài như voi ma mút lông dài, nhưng cũng khởi nguồn cho nền văn minh đầu tiên của loài người, theo Telegraph.
Giới nghiên cứu đã suy đoán rằng một sao chổi có thể làm giảm mạnh nhiệt độ, gây ra kỷ băng hà "Younger Dryas". Đây được coi là một trong những giai đoạn quan trọng nhất lịch sử loài người, khởi đầu của nền nông nghiệp và văn minh thời kỳ đồ đá mới.
Nhóm khảo cổ đang phân tích biểu tượng trên cột đá nhằm tìm hiểu sự liên quan của chúng đến các chòm sao. Bằng cách diễn dịch hình ảnh động vật như ký hiệu thiên văn và sử dụng phần mềm máy tính để liên kết chúng với các ngôi sao, nhóm nghiên cứu xác định sự kiện này diễn ra vào khoảng năm 10.950 trước Công nguyên.
Trước khi xảy ra vụ va chạm, những cánh đồng lúa mạch và lúa mỳ lớn cho phép con người ở Trung Đông thành lập những khu định cư lâu dài. Nhưng khí hậu băng giá thời Younger Dryas buộc họ hợp lại với nhau, tìm cách thức canh tác mới. Họ phát triển việc tưới tiêu và phối giống chọn lọc, giúp cây trồng chống lại khí hậu khắc nghiệt, tạo ra phương thức canh tác hiện đại.
Các biểu tượng như một dạng chữ viết sơ khai, cho thấy Gobekli Tepe là một đài thiên văn, đồng thời chỉ ra sự thay đổi dài hạn trong trục quay của Trái Đất thời kỳ này. Một trong những cột đá tại Gobekli Tepe có thể nhằm tưởng niệm sự tàn phá của vụ va chạm sao chổi, một trong những thời gian khủng khiếp nhất lịch sử kể từ khi kỷ băng hà chấm dứt.
Theo Hòa Việt (VnExpress.net)