"Đời binh nghiệp oanh liệt"
Theo tài liệu công khai, Phòng Phong Huy sinh năm 1951, quê Thiểm Tây, Trung Quốc. Ông này tốt nghiệp chuyên ngành Chỉ huy chiến lược tác chiến Khoa nghiên cứu quốc phòng Đại học Quốc phòng và chuyên ngành Pháp luật Học viện Chính trị Tây An.
Phòng Phong Huy bắt đầu nhập ngũ từ năm 1968 với phần lớn thời gian công tác thuộc lĩnh vực tham mưu. Năm 1998, Phòng Phong Huy được phong hàm Thiếu tướng; năm 1999, ông trở thành Quân đoàn trưởng Quân đoàn 21. Đây được coi là bước ngoặt trong cuộc đời binh nghiệp của viên tướng "ngã ngựa".
Đến tháng 12/2003, Phòng Phong Huy lại bước lên nấc thang mới. Ông được bổ nhiệm vị trí Tham mưu trưởng Quân khu Quảng Châu, trở thành tướng lĩnh cấp phó ở Đại quân khu.
Năm 2007, Phòng Phong Huy lúc này mới 56 tuổi, nhậm chức Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh. Ông này trở thành Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh trẻ nhất sau thời kỳ Cách mạng văn hóa, đồng thời cũng là Tư lệnh trẻ nhất trong 7 Đại quân khu khi đó.
Chưa đầy ba năm rưỡi, Phòng Phong Huy đi từ vị trí tương đương cấp phó lên cấp trưởng ở Đại quân khu. Hơn nữa, dù trẻ nhưng đã được rèn luyện qua ba Đại quân khu Lan Châu, Quảng Châu, Bắc Kinh nên Phòng Phòng Huy còn được gọi là "ngôi sao trong giới quân nhân".
Đặc biệt, thời gian công tác ở Bắc Kinh cũng là thời gian Phòng Phong Huy để lại dấu ấn thành tích nổi bật như, là Tổng chỉ huy lễ duyệt binh nhân dịp kỷ niệm 60 năm quốc khánh Trung Quốc.
Chính sau lần duyệt binh này, vào tháng 7/2010, Phòng Phong Huy được phong hàm Thượng tướng tại Lầu Bát Nhất. Đây là sự kiện có số tướng lĩnh được thăng hàm Thượng tướng nhiều nhất từ tháng 9/2004 đến nay tại Trung Quốc.
Tại Trung Quốc thời điểm này, giới phân tích từng nhận định, khác với các quan chức cấp tỉnh bộ sinh vào những năm 50 dần đến tuổi về hưu thì các Thượng tướng sinh năm 50 trong quân đội được xếp vào "đội ngũ trẻ tuổi", bởi để được thăng hàm Thượng tướng, các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc cần trải qua thời gian dài phấn đấu.
Tờ Nhân vật Hoàn cầu cho biết, theo hệ thống cấp bậc trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc PLA, từ Thiếu úy tới Đại tá gồm 7 cấp với 6 lần thăng cấp, do thời hạn thăng cấp tối thiểu 4 năm nên để từ Thiếu úy lên Đại tá, một quân nhân Trung Quốc cần 24 năm, (không tính những trường hợp thăng cấp đặc biệt).
Từ Đại tá lên Thiếu tướng sẽ không bị hạn chế về thời gian và được quyết định dựa trên tình hình công tác thực tế. Thời hạn thăng hàm từ Thiếu tướng lên tới Thượng tướng càng khó xác định mà sẽ được đưa ra dựa vào thời gian công tác tương ứng, thông thường cần từ 10-15 năm nhưng cũng có thể nhanh hoặc lâu hơn.
Đến năm 2012, Phòng Phong Huy đứng đầu Bộ Tổng tham mưu Giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA và trở thành Ủy viên quân ủy trung ương. Năm 2016, khi PLA tái cơ cấu tổ chức, Phòng Phong Huy trở thành Tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp quân ủy đầu tiên.
Phòng Phong Huy được đánh giá có hoạt động đối ngoại tích cực. Ông này từng hội đàm với nhiều nhân vật nổi tiếng như Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Tổng thống Afghanistan, Cựu Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger v.v... Trong khi trong lực lượng PLA, Phòng Phong Huy liên tục kêu gọi chống tham nhũng toàn quân.
Điểm chung với Thượng tướng sợ tội tự sát
Khi Phòng Phong Huy công tác ở Quân khu Quảng Châu năm thứ hai thì Trương Dương - Thượng tướng sợ tội tự sát hồi năm ngoái - được điều đến quân khu này với vị trí Chủ nhiệm Bộ Chính trị. Hai người trở thành cộng sự thân thiết trong bốn năm tại địa phương.
Đến năm 2012, Phòng Phong Huy và Trương Dương lần lượt đứng đầu hai đơn vị lớn là Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tổng Chính trị Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA, đồng thời cùng trở thành Ủy viên quân ủy trung ương.
Năm 2016, PLA tái cơ cấu tổ chức, khi Phòng Phong Huy trở thành Tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp quân ủy đầu tiên thì Trương Dương trở thành Chủ nhiệm Bộ Tổng chính trị đầu tiên.
Hai ông này được phong hàm Thượng tướng cùng đợt vào tháng 7/2010 tại Lầu Bát Nhất, Bắc Kinh. Khi đó, Trương Dương, Phòng Phong Huy mới 59 tuổi, trong khi các tướng lĩnh khác trong đợt thăng hàm cùng hai ông này đều đã ngoài 60 tuổi.
Không chỉ "sát cánh" đi lên, Phòng Phong Huy và Trương Dương còn rất trùng hợp khi cùng "biến mất" và cùng phạm phải sai lầm giống nhau.
Cuối tháng 8/2017, ông Lý Tác Thành thay thế Phòng Phong Huy, trở thành Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp quân ủy trung ương. Do đó, lần cuối cùng Phòng Phong Huy xuất hiện công khai được ghi nhận vào chiều ngày 21/8/2017, trong cuộc hội đàm với Tư lệnh tối cao Các lực lượng vũ trang Thái Lan Surapong Suwana-Adth tại Lầu Bát Nhất.
Tương tự Phòng Phong Huy, Trương Dương cũng bị bãi nhiệm trước thềm Đại hội 19 ĐCSTQ (diễn ra từ 18-24/10/2017). Ngày 7/9/2017, tân Chủ nhiệm Bộ Công tác quân ủy trung ương Miêu Hoa ra mắt, thay thế Trương.
Trước đó một ngày tức 6/9, danh sách Đại biểu Đại hội toàn quốc lần thứ 19 đảng Cộng sản Trung Quốc do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc không xuất hiện tên của hai ông này.
Sau đó, Bắc Kinh xác nhận, Trương Dương chính thức tiếp nhận điều tra từ ngày 28/8/2017. Đến ngày 23/11/2017, sau chưa đầy ba tháng bị bãi nhiệm, Trương Dương tự sát tại nhà riêng.
Với trường hợp của Phòng Phong Huy, thông tin ông này "ngã ngựa" cách thời điểm xuất hiện công khai 141 ngày.
Đặc biệt, Trương Dương và Phòng Phong Huy còn có điểm chung lớn, đó là liên quan đến hành vi đưa hối lộ.
Báo Tân Kinh (Bắc Kinh) nhận định, "là tướng lĩnh cấp cao trong quân đội, rất dễ hiểu khi [Phòng Phong Huy và Trương Dương] nhận hối lộ nhưng hành vi đưa hối lộ lại rất đáng suy ngẫm". Tờ này cho rằng, ắt hẳn còn rất nhiều câu chuyện đằng sau hành vi này của hai Thượng tướng Trung Quốc.
Theo Thủy Thu (Soha/Thời Đại)