Vụ trộm bí ẩn suốt 30 năm chưa có lời giải: Treo thưởng 233 tỷ đồng vẫn không có ai tìm ra manh mối

17/11/2020 09:16:47

Vụ trộm đã xảy ra cách đây 30 năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ manh mối nào về 13 bức tranh kiệt tác có trị giá lên tới 500 triệu USD (tương đương 11.700 tỷ đồng) tại bảo tàng nghệ thuật Isabella Stewart Gardner ở Mỹ.

Bảo tàng nghệ thuật Isabella Stewart Gardner ở Mỹ mới đây đã thông báo treo thưởng 10 triệu USD (tương đương 233 tỷ đồng) cho bất kỳ ai giúp khám phá vụ trộm rúng động xảy ra cách đây 30 năm.

Vụ trộm bí ẩn suốt 30 năm chưa có lời giải: Treo thưởng 233 tỷ đồng vẫn không có ai tìm ra manh mối

Phi vụ táo tợn của hai kẻ giả danh cảnh sát

Nửa đêm chủ nhật ngày 17/3/1990, một chiếc xe bán tải màu đỏ hiệu Dodge Daytona chạy đến đường Palace, gần cổng chính Bảo tàng Isabella Stewart Gardner, thành phố Boston, Mỹ rồi dừng lại. Trong xe có 2 gã đàn ông mặc đồng phục cảnh sát. Hôm ấy là ngày Lễ thánh Patrick (là một ngày tôn giáo và văn hóa, được tổ chức tại nhiều nơi trên toàn thế giới vào ngày 17/3) nên nhiều người đi lễ về khuya tin rằng cảnh sát có mặt là để ngăn chặn những vụ cướp đường và bảo vệ cho sự an toàn của họ.

Đến 1h sáng ngày 18/3, sau khi giao ca, Richard Abath - nhân viên bảo vệ của Bảo tàng nghệ thuật Isabella Stewart Gardner - kiểm tra ổ khóa cửa chính và đi một vòng qua các phòng trưng bày, cuối cùng ký vào sổ trực ban để bảo đảm rằng mình đã thực hiện đúng mọi nguyên tắc an ninh được ban giám đốc bảo tàng quy định.

Vụ trộm bí ẩn suốt 30 năm chưa có lời giải: Treo thưởng 233 tỷ đồng vẫn không có ai tìm ra manh mối - 1
Chân dung phác thảo 2 tên trộm giả danh cảnh sát

Vào lúc 1h24', một trong hai gã cảnh sát giả mạo nhân lúc đường phố vắng lặng không bóng người liền xuống xe, đi đến cánh cổng chính của bảo tàng rồi đưa tay bấm chuông.

Richard Abath viết trong bản tường trình gửi FBI: "Nghe tiếng chuông, tôi bước ra xem thì thấy một cảnh sát. Đèn trong sân khá sáng nên tôi nhớ là khuôn mặt gã hơi gầy, đeo kính cận và có ria mép. Gã nói với tôi rằng gã nghe có những tiếng động lạ phát ra từ bên trong viện bảo tàng nên đề nghị tôi mở cửa cho gã vào xem. Theo nguyên tắc, sau 6 giờ chiều thì không một người khách nào được phép vào viện bảo tàng nếu không có lệnh trực tiếp từ ban giám đốc, nhưng tôi không biết lệnh cấm đó có áp dụng cho cả cảnh sát hay không. Hơn nữa, thái độ của đối phương rất đĩnh đạc và bộ quần áo gã mặc chứng tỏ đó là một sĩ quan nên tôi đã mở khóa."

Khi cánh cổng vừa được Abath mở ra thì gã cảnh sát nãy giờ ngồi trong xe cũng bước đến, sau đó cả hai theo Abath đến phòng trực ban. Vẫn trong bản tường trình gửi FBI, Abath viết: "Vừa bước vào phòng, viên cảnh sát đi đầu nói với tôi là trông tôi giống như một kẻ đang có lệnh truy nã nên yêu cầu tôi cho xem căn cước. Chưa kịp giải thích rằng đây có thể là sự hiểu lầm thì tôi đã bị đẩy vào sát tường. Khuôn mặt gã gần như chạm vào mặt tôi lúc gã còng tay tôi nên tôi biết chắc bộ râu của gã là râu giả."

Vụ trộm bí ẩn suốt 30 năm chưa có lời giải: Treo thưởng 233 tỷ đồng vẫn không có ai tìm ra manh mối - 2
Bảo vệ Abath bị kẻ trộm trói tại hiện trường

Vài phút sau, theo lệnh của hai viên cảnh sát, Abath buộc phải gọi người bảo vệ thứ hai là Dawson xuống phòng trực ban và sau đó, người này cũng bị bắt giống Abath.

Trong bản tường trình, Dawson viết: "Người còng tay tôi có khuôn mặt mập mạp và cũng có ria mép. Tôi hỏi họ lý do tại sao chúng tôi lại bị còng tay thì một trong hai tên trả lời: "Đưa chúng tao đến phòng tranh ngay!", khiến tôi hiểu ra rằng bọn chúng là kẻ cướp."

Sau đó, gã cảnh sát giả danh có khuôn mặt gầy, đeo kính cận còng tay của Abath và Dawson vào thanh vịn của lan can. Cẩn thận hơn, gã cảnh sát mặt tròn còn lấy một cuộn băng keo quấn chặt tay, chân, đầu của họ lại, chỉ chừa lại lỗ mũi để họ thở. Xong xuôi mọi việc chúng mới đi lên lầu và vào thẳng phòng Hà Lan (là nơi trưng bày những tác phẩm của các họa sĩ người Hà Lan có những bức tranh trị giá hàng trăm triệu USD).

Abath nói: "Tôi tin chắc chúng đã nghiên cứu kỹ từ trước vì bảo tàng có rất nhiều phòng nhưng chúng chỉ chọn phòng Hà Lan."

Vụ trộm bí ẩn suốt 30 năm chưa có lời giải: Treo thưởng 233 tỷ đồng vẫn không có ai tìm ra manh mối - 3

Cũng cần nói thêm rằng để tăng cường an ninh, Bảo tàng Isabella Stewart Gardner được trang bị một hệ thống máy dò tiếng động. Kết quả phân tích của FBI sau vụ cướp cho thấy khi vào phòng Hà Lan, 2 gã cảnh sát giả đã đến trước bức Chân Dung Tự Họa của danh họa Rembrandt vẽ năm 1634. Lúc chúng đưa tay chạm vào bức họa thì chuông báo động reo vang nhưng liền bị đập vỡ.

Kết quả phân tích từ máy ghi tiếng động chứng tỏ rằng cả hai gã đã cố kéo bức tranh xuống nhưng vì khung gỗ quá nặng, lại được bắt chặt vào tường bằng đinh vít nên chúng không lấy được. Những bức tranh còn lại thì chúng chỉ tháo lấy tranh và bỏ lại khung gỗ, sau đó lần lượt chuyển các bức tranh ra ngoài xe.

Xong xuôi, hai viên "cảnh sát rởm" xóa trắng đoạn băng trong hệ thống camera giám sát ghi lại quá trình ăn trộm kéo dài 81 phút, tính từ lúc chúng đỗ xe trước bảo tàng để tiến vào cho tới lúc rời đi. Phải đến 8h15' sáng cùng ngày, "cảnh sát xịn" mới đến hiện trường khi chủ bảo tàng phát hiện ra vụ cướp.

Vụ trộm bí ẩn suốt 30 năm chưa có lời giải: Treo thưởng 233 tỷ đồng vẫn không có ai tìm ra manh mối - 4
Bức tranh Chúa Trong Cơn Bão Ở Hồ Galilee

Hai tên trộm đã lấy đi 13 tác phẩm nghệ thuật với tổng giá trị lên tới nửa tỷ đôla. Đắt giá nhất trong số đó phải kể đến Chúa Trong Cơn Bão Ở Hồ Galilee cùng với Quý Bà Và Quý Ông Mặc Đồ Đen của danh họa Rembrandt. Ngoài ra, còn có Buổi Hòa Nhạc của Johannes Vermeer và Phong Cảnh của Govert Flinck. Tại bảo tàng Isabella Stewart Gardner ngày nay, những khung tranh để trống trên tường chính là nơi từng treo những kiệt tác bị đánh cắp.

Ngoài ra, chúng cũng "chôm" một con chim đại bàng bằng đồng trên lá cờ Napoleon và một chiếc bình cổ của Trung Quốc. Điều kỳ lạ là bọn trộm không động tới bức tranh vô giá The Rape of Europa dù vẫn có thời gian lấy vài chiếc kẹo chocolate từ máy bán hàng tự động.

Cuộc điều tra bế tắc

Vụ cướp Bảo tàng Isabella Stewart Gardner không chỉ gây chấn động toàn nước Mỹ mà còn là sự tiếc nuối với khá nhiều người yêu hội họa trên toàn thế giới. Rất nhanh chóng, vụ việc được giao cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), bởi lẽ những tác phẩm ấy có thể đã bị bọn cướp hoặc các đồng phạm bí mật đưa ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, FBI còn cài người vào các viện bảo tàng tư nhân và công ty chuyên mua bán, trao đổi những tác phẩm nghệ thuật, liên hệ với các các nhà sưu tập tranh để nghe ngóng tin tức nhưng suốt 10 năm sau đó, họ không hề tìm thấy bất kỳ manh mối nào.

Vụ trộm bí ẩn suốt 30 năm chưa có lời giải: Treo thưởng 233 tỷ đồng vẫn không có ai tìm ra manh mối - 5

Trong cuộc họp báo tổ chức hồi năm 2000, một phát ngôn viên của FBI đã cho rằng những tác phẩm nghệ thuật sau khi bị cướp đã được đưa qua Connecticut, sau đó được rao bán ở Philadelphia, nhưng họ không tìm được bằng chứng cho giả thuyết này.

Các điều tra viên của FBI khi đó đã không thể xác định được mục đích cũng như ý đồ của bọn cướp khi thực hiện phi vụ này. Ông Geoffrey J. Kelly - người phụ trách cuộc điều tra của FBI - nói rằng ông không hiểu tại sao những tên cướp rõ ràng đã ở trong bảo tàng trong một khoảng thời gian rất lâu, đủ để chúng lấy đi tất cả những thứ mà chúng muốn, nhưng chúng lại chỉ lấy đi những tác phẩm có giá trị trung bình thay vì lấy những tác phẩm nổi tiếng, có giá trị lớn hơn rất nhiều cũng được trưng bày ở đó.

Quyết tâm đưa kiệt tác trở lại bảo tàng

Melanie Hall - Giám đốc chương trình nghiên cứu bảo tàng tại Đại học Boston - thừa nhận vụ trộm đã giúp các bảo tàng tăng cường an ninh hơn. Đối với bà, việc đưa các tác phẩm trở lại để những người trẻ tuổi được chiêm ngưỡng còn quan trọng hơn việc biết được chính xác điều gì đã xảy ra và trách nhiệm khám phá bí mật này sẽ thuộc về các thám tử tương lai.

Vụ trộm bí ẩn suốt 30 năm chưa có lời giải: Treo thưởng 233 tỷ đồng vẫn không có ai tìm ra manh mối - 6

Về khoản tiền thưởng, phía bảo tàng treo giải thưởng 1 triệu USD (tương đương 23 tỷ đồng) và đến năm 1997 đã tăng lên thành 5 triệu USD (tương đương 116 tỷ đồng). Cho đến đầu năm 2017, chủ tịch ban điều hành bảo tàng Steve Kidder cho biết đã tăng gấp đôi tiền thưởng - lên 10 triệu USD (tương đương 233 tỷ đồng) và kéo dài vô thời hạn cuộc truy tìm, bởi họ vẫn hy vọng các tác phẩm có thể được tìm thấy.

Hàng chục năm đã trôi qua, mặc dù công chúng vẫn chưa nguôi hy vọng được thưởng thức những kiệt tác bị đánh cắp, song liệu các nhà điều tra có thực sự vén được bức màn bí ẩn về vụ trộm nghệ thuật lớn nhất thế giới này hay không vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

Theo Nguyên Dũng TT (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật