Thông tin trên được nhà sản xuất phim người Ai Cập, ông Moez Masoud, tiết lộ với báo giới tại Liên hoan phim Cannes đang diễn ra ở Pháp ngày 15-5.
"Vào ngày 15-3 ở thành phố Christchurch, thế giới đã chứng kiến một tội ác chống lại nhân loại không thể diễn tả nổi" - ông Masoud chia sẻ và cho biết các thành viên đoàn làm phim hiện có mặt ở New Zealand để gặp mặt những người may mắn sống sót cùng gia đình các nạn nhân.
Chia sẻ về bộ phim sắp tới, ông Masoud cho biết: "Câu chuyện mà Hello Brother mang đến cho khán giả chỉ là một bước đi trong quá trình chữa lành vết thương để chúng ta có thể hiểu nhau hơn và hiểu rõ nguồn gốc của sự thù hằn, phân biệt chủng tộc và khủng bố".
Tên phim dựa vào câu nói mà một người cao tuổi Afghanistan đã thốt lên khi ông gặp các tay súng ở cửa ra vào đền thờ Hồi giáo Al Noor ở thành phố Christchurch. Ông đã bị bắn chết ngay sau đó, nhưng những từ ngữ của ông đã được lan truyền khắp thế giới như một lời kêu gọi đoàn kết chống lại hận thù.
Phản ứng về thông tin trên, Hiệp hội người Hồi giáo Canterbury ở thành phố Christchurch cho biết họ chưa từng nhận được bất kỳ kế hoạch làm phim nào như vậy. "Chúng tôi chưa từng nhận cũng như chưa từng đồng ý với một đề xuất nào như vậy" - hiệp hội này cho biết.
Ông Masoud sẽ là người đồng viết kịch bản và bộ phim sẽ do Hãng Acamedia Pictures sản xuất. Ông là một học giả theo đạo Hồi, từng sản xuất phim Clash năm 2016 nói về bất ổn chính trị và xã hội dẫn tới việc Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi bị lật đổ hồi năm 2013.
Trước Hello Brother, cũng đã có một số phim tương tự, chẳng hạn Hotel Mumbai. Tác phẩm điện ảnh 2018 này đã dựng lại vụ tấn công tại khách sạn Taj Mahal Palace ở Ấn Độ năm 2008, một trong loạt vụ tấn công làm 160 người thiệt mạng. Trong khi đó, phim U-22 July kể lại vụ thảm sát làm 77 người thiệt mạng ở Na Uy hồi năm 2011.
Theo Bình An (Tuổi Trẻ)