Cú vấp chân oan nghiệt
Ngày 30 tháng 5 năm 1921, một thanh niên da màu làm nghề đánh giày tên là Dick Rowland (19 tuổi) bước vào thang máy tại tòa nhà văn phòng Drexel trên phố South Main, thành phố Tulsa, bang Oklahoma, Mỹ. Đúng lúc đó, cô gái nhân viên điều khiển thang máy Sarah Page (17 tuổi), người da trắng, cũng bước vào thang. Bất thình lình, Sarah hét lên một tiếng khi chỉ có 2 người trong thang.
"Vẫn chưa chắc chắn về chuyện xảy ra trong tòa nhà Drexel, nhưng lời giải thích phổ biến nhất là Rowland giẫm lên chân Sarah khi bước vào thang máy, khiến cô ấy hét lên", Hiệp hội Lịch sử Oklahoma cho biết.
Tiếng hét của Sarah gây sự chú ý của nhiều người, chưa ai biết chính xác chuyện gì đã xảy ra nhưng trong tình cảnh như vậy, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là cô bị sàm sỡ. Rowland sau đó đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Cảnh sát được gọi đến và sáng hôm sau họ đã bắt giữ Rowland.
Vào thời điểm đó, bản thân người trong cuộc là Sarah không đưa ra lời cáo buộc nào cả nhưng tin đồn về những gì được cho là xảy ra trong chiếc thang máy đó đã lan truyền trong cộng đồng người da trắng ở thành phố Tulsa. Một câu chuyện đăng trên trang nhất trên tờ Tulsa Tribune vào chiều hôm đó cho biết cảnh sát đã bắt Rowland vì tội tấn công tình dục Sarah.
Cụ thể, Tulsa Tribune đăng bài viết với tiêu đề: "Tóm cổ gã da màu tấn công thiếu nữ trong thang máy", đồng thời viết một bài xã luận đáng lo ngại có tên "Hành hình kiểu lynch với gã da màu vào tối nay", đề cập tới hình thức đám đông giết chết ai đó mà không cần xét xử, thường do những người phân biệt chủng tộc ở Mỹ thực hiện với người da màu.
Tối đến, một đám đông người da trắng giận dữ tụ tập bên ngoài tòa án, yêu cầu cảnh sát trưởng giao Rowland ra cho họ để xử theo "luật rừng". Cảnh sát trưởng Willard McCullough từ chối, và cấp dưới của ông đã phải lập rào chắn tầng cao nhất để bảo vệ thanh niên da màu Dick Rowland.
Khoảng 9 giờ tối, một nhóm khoảng 25 người da màu có vũ trang, bao gồm nhiều cựu chiến binh Thế chiến I, kéo đến toà án để đề nghị giúp đỡ bảo vệ Rowland. Sau khi cảnh sát trưởng từ chối, một số đám đông người da trắng đã cố gắng đột nhập vào kho vũ khí của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ ở gần đó nhưng không thành công.
Tin đồn lan truyền ngày càng rộng, một nhóm khoảng 75 người đàn ông da màu có vũ trang đã quay trở lại tòa án ngay sau 10 giờ tối, khoảng 1.500 người đàn ông da trắng, một số người còn mang theo vũ khí, cũng đã tụ tập ở đó.
Greenwood bùng cháy
Vậy là chỉ vì một cú vấp chân và cuộc gặp gỡ oan nghiệt của 2 người trẻ khác màu da trong thang máy, một vụ bạo loạn đã nổ ra. Sau những tiếng súng và hỗn loạn, nhóm người da màu đông hơn đã rút lui về Greenwood.
Sự việc diễn ra vào những năm sau Thế chiến I, thời điểm căng thẳng chủng tộc dâng cao, bao gồm sự trỗi dậy của Ku Klux Klan, hội kín cổ xúy thuyết người da trắng thượng đẳng. Vô số vụ hành hình kiểu lynch và hành vi bạo lực chủng tộc khác đã xảy ra, thúc đẩy người Mỹ gốc Phi nỗ lực bảo vệ cộng đồng của mình.
Đến năm 1921, khi ngành công nghiệp dầu mỏ bùng nổ, Tulsa là một thành phố đang phát triển, thịnh vượng với dân số hơn 100.000 người nhưng tỷ lệ tội phạm cao.
Tulsa cũng là một thành phố rất tách biệt: Hầu hết trong số 10.000 cư dân da màu của thành phố sống trong một khu phố tên là Greenwood, bao gồm một khu kinh doanh thịnh vượng được mệnh danh là "Black Wall Street" (Phố Wall Đen).
Khu vực này có hơn 300 doanh nghiệp do người da màu sở hữu, cùng 2 nhà hát, những bác sĩ, dược sĩ và 1 phi công có máy bay riêng. Theo ông Mechelle Brown, giám đốc các chương trình tại Trung tâm Văn hóa Greenwood, sự thành công của cộng đồng người da màu đã khiến một số người da trắng tại Tulsa ghen tỵ và tức giận. "Họ từng than vãn rằng tại sao mấy người da màu kia dám đặt một cây đàn piano đẹp đẽ trong nhà, thứ mà họ không có", Brown cho hay.
Sự cố trong thang máy giữa Rowland và Sarah như "giọt nước tràn ly". Trong vài giờ tiếp theo, nhóm người da trắng - một số người trong số họ được bổ nhiệm giữ các chức vụ và được giao vũ khí - đã thực hiện nhiều hành vi bạo lực đối với người da màu, bao gồm cả việc bắn chết một người đàn ông không có vũ khí trong rạp chiếu phim.
Một cuộc nổi dậy quy mô lớn diễn ra, bao gồm cả quân tiếp viện từ các thị trấn và thành phố lân cận có đông người Mỹ gốc Phi, càng thúc đẩy sự cuồng loạn.
Khi bình minh ló dạng vào ngày 1/6, hàng ngàn công dân da trắng đã tràn vào Greenwood, cướp bóc và đốt phá nhà cửa và các cơ sở kinh doanh. Các nhân viên cứu hỏa đến để giúp dập lửa sau đó đã làm chứng rằng những kẻ bạo loạn đã đe dọa họ bằng súng và buộc họ phải rời đi.
Theo ước tính sau này của Hội Chữ thập đỏ Mỹ, khoảng 1.256 ngôi nhà đã bị đốt cháy; 215 người khác bị cướp phá nhưng không bị đốt cháy. Hai tòa báo, trường học, thư viện, bệnh viện, nhà thờ, khách sạn, cửa hàng và nhiều cơ sở kinh doanh do người da màu làm chủ nằm trong số các tòa nhà bị lửa thiêu rụi hoặc hư hại.
Khi lực lượng Vệ binh Quốc gia tới Greenwood và Thống đốc JBA Robertson tuyên bố thiết quân luật ngay trước buổi trưa, cuộc bạo loạn đã chấm dứt. Vài giờ sau, tất cả cáo buộc chống lại Rowland đều được hủy bỏ. Cảnh sát kết luận thanh niên này khả năng cao đã bị vấp và ngã vào người Sarah, hoặc giẫm lên chân cô. Rowland rời Tulsa vào sáng hôm sau.
Thảm sát đẫm máu bị lịch sử lãng quên
Trong nhiều thập kỷ sau đó, vụ thảm sát năm 1921 hầu như không được biết đến. Năm 2018, Thượng nghị sĩ Cộng hòa James Lankford của bang Oklahoma nói với CNN: "Các trường học ở Oklahoma đã không hề đề cập gì về nó. Trên thực tế, các tờ báo thậm chí không đưa bất kỳ thông tin nào về cuộc bạo loạn chủng tộc Tulsa. Nó hoàn toàn bị phớt lờ. Đó là một trong những sự kiện khủng khiếp nhất mà mọi người muốn che giấu".
Báo cáo chính thức tại thời điểm sự kiện diễn ra ghi nhận 36 người chết, bao gồm 10 người da trắng. Một cuộc kiểm tra của ủy ban tiểu bang năm 2001 về các sự kiện đã xác nhận 36 người chết, trong đó có 26 người da màu và 10 người da trắng. Tuy nhiên, các nhà sử học ước tính số người chết có thể lên tới 300 người, đặc biệt là sau khi phát hiện chiếc hố được cho là mộ tập thể tại nghĩa trang Oaklawn ở Tulsa.
Theo báo cáo năm 2001 của Ủy ban Chống bạo loạn Chủng tộc, cơ quan do chính quyền bang Oklahoma thành lập để điều tra về sự kiện, có khoảng 100-300 người thiệt mạng, hơn 8.000 người mất nhà cửa trong vòng 18 giờ do thảm kịch năm 1921.
Tháng 11/2018, cơ quan được đổi tên thành Ủy ban Thảm sát Chủng tộc 1921, dựa trên "cảm xúc và góc nhìn của các nhân chứng", cũng như cư dân tại khu vực hiện nay và các học giả lịch sử.
Đến tháng 2 năm 2020, các nhà lãnh đạo Oklahoma tuyên bố rằng bang này sẽ đưa câu chuyện về Cuộc thảm sát chủng tộc Tulsa năm 1921 vào chương trình giảng dạy của tất cả các trường học tại bang. Thành phố Tulsa tiếp tục điều tra những gì đã xảy ra với thi thể của các nạn nhân của cuộc bạo loạn và đang khai quật những ngôi mộ tập thể.
Nỗi đau vẫn còn vẹn nguyên
Sau cuộc bạo loạn, cộng đồng người da màu đã cố gắng tái thiết Greenwood. Tuy nhiên, hàng ngàn người trong số họ vẫn phải trải qua mùa Đông năm 1921 và 1922 trong những căn lều mỏng manh. Mặc dù Greenwood cuối cùng đã được tái thiết, nơi đây không bao giờ trở lại như trước. Và nhiều người sống ở đó không bao giờ thực sự hồi phục sau chấn thương và hoảng loạn.
Một số người sống sót sau vụ thảm sát Tulsa, như cụ bà Olivia Hooker vẫn tiếp tục đòi công lý dù thứ mà bà được đền đáp chỉ là nỗi thất vọng.
"Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể sống đủ lâu để chứng kiến điều gì đó được thực hiện, nhưng dù tôi đã sống 99 năm, điều đó vẫn không xảy ra. Bạn phải tiếp tục hy vọng và tiếp tục hy vọng, để cất lên tiếng nói", bà Hooker, lên 6 tuổi vào thời điểm cuộc bạo loạn, nói với tờ Al-Jazeera. Tháng 11/2018, bà Olivia Hooker đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 103 mà chưa đòi được công lý.
Ngày 19/5/2021, cụ bà Viola Fletcher (107 tuổi), người lớn tuổi nhất còn sống sót sau thảm sát Tulsa, đã đồng ý làm chứng trước phiên điều trần của Tiểu ban Dân quyền và Tự do Dân sự thuộc Quốc hội Mỹ.
Bà Viola nói: "Tôi đã sống sót qua vụ thảm sát. Đất nước của chúng ta có thể quên lịch sử này nhưng tôi thì không. Vào cái đêm kinh hoàng đó, mẹ tôi đã đánh thức cả gia đình để chạy trốn khi những người da trắng tràn vào đốt phá, cướp bóc, tàn sát người da màu. Mọi người gục xuống và máu đổ, khắp nơi toàn là tiếng khóc lóc và la hét. Tôi nhìn thấy những ngôi nhà và những chiếc xe bốc cháy, tiếng máy bay ầm ầm trên đầu. Giữa cơn thịnh nộ, gia đình tôi không còn gì ngoài bộ quần áo trên người. 100 năm sau, tôi vẫn sống với vết thương lòng".
Theo L.T (Pháp Luật & Bạn Đọc)