"Vụ thảm sát trên sông Mekong"
Nhà báo Jeff Howe đã gọi vụ việc này là "vụ thảm sát trên sông Mekong", "một trong những vụ sát hại nhiều công dân Trung Quốc bên ngoài lãnh thổ nước này nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai".
Được biết đến như một "quốc gia buôn ma tuý" và là trung tâm chung chuyển của ma túy, khu vực này ước tính có diện tích khoảng 950.000 km2 là nơi hợp lưu giữa sông Ruak và Mekong, đồng thời là biên giới chung của ba nước Thái Lan, Myanmar và Lào.
Đến ngày hôm nay, những "vòi bạch tuộc chết người", như nội dung seri phim nhận định, vẫn không ngừng vươn xa và khiến khu vực này tiếp tục là "trung tâm của quá trình sản xuất ma tuý", trong khi các yếu tố đại dịch và chính trị cũng khiến tình hình ở đây ngày một phức tạp. Cho dù cái tên Tam giác vàng có gợi đến bất kể hình ảnh gì, đây không phải là một vùng đất mộng mơ như đồn thổi trong giai đoạn những năm 60, mà theo Howe, là "nơi điên khùng, nguy hiểm và vô pháp luật nhất mà bạn có thể đến".
Đảo Sam Puu là căn cứ tại Myanmar, nơi Naw Kham có thể thu tiền bảo kê như một loại thuế từ các tàu thuyền đi qua; và đó chính là nơi 13 thuỷ thủ đoàn Trung Quốc bị sát hại. Naw Kham và 3 tùy tùng sau đó đã bị cảnh sát Lào bắt giữ và trao trả cho phía Trung Quốc.
Những kẻ này sau đó chịu án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, trong khi 9 người Thái Lan khác được cho có trách nhiệm liên đới cũng đối mặt với các mức án khác nhau từ toà án.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân đằng sau dẫn đến việc Naw Kham và tay sai giết hại những người Trung Quốc. Phải chăng những nạn nhân này đã từ chối trả tiền cho các hàng cấm mà mình mang theo? Liệu có ma tuý trên tàu của họ hay không? "Đó là những bí ẩn mà không ai có thể trả lời", Johnson nói.
Ông trùm ma túy Myanmar: Có "vương quốc" riêng, kiếm lợi hơn cả các ông trùm Nam Mỹ
"Đó là một hệ thống vận chuyển ma tuý phức tạp: hàng cấm từ khu vực này sẽ đi qua Lào, và sau đó quay lại Thái Lan từ khu vực hạ lưu [từ phía sông Mekong thuộc Myanmar]. Từ đó, hàng sẽ được vận chuyển dọc biên giới Malaysia thông qua các xe bán tải tới Penang, và sau đó ra nước ngoài bằng đường thuỷ. Ma tuý tiếp tục được vận chuyển từ các tàu nhỏ hơn [tới các tàu lớn] đến Úc và Nhật Bản. Ở đây mọi thứ tốt hơn tại Amazon – họ có hệ thống phân phối tốt hơn. Thật không thể tin được".
"Chúng ta đã nghe về Pablo Escobar và Guzman. Những ông trùm này đã được truyền thông nhắc đến nhiều và tại châu Mỹ la tinh đã gây dựng những đế chế ma tuý. Nhưng ngay ở gần chúng ta ở Tam giác vàng, đó là một bí mật lớn.
Nơi đây có lịch sử là nơi sản xuất và phân phối ma túy quy mô lớn, cũng như nơi xuất khẩu heroin lớn nhất thế giới. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, quy mô sản xuất đã mở rộng: qua từng năm con số tiếp tục tăng lên. Kể cả trong quãng thời gian này, những kẻ buôn ma tuý vẫn có thể tận dụng triệt để khu vực này - với sự trợ giúp từ hoạt động hợp tác thiếu hiệu quả của các lực lượng thi hành pháp luật".
Những thay đổi về chính trị cũng gián tiếp hỗ trợ hoạt động của những kẻ phạm tội. "Tình hình tại Myanmar khiến mọi thứ tồi tệ hơn", Johnson nói. "Đã có một số chiến dịch của lực lượng chống ma tuý Myanmar tại khu vực tiểu vùng sông Mekong, cung như ở các bang Shan và Wa. Nhưng kể từ khi xảy ra cuộc chính biến hồi tháng 2, mọi thứ đã chấm dứt. Hoạt động buôn bán ma tuý trở nên thường xuyên hơn với nhiều giao dịch hơn".
Cho dù sau nhiều năm những kẻ buôn bán ma tuý và cả lực lượng hành pháp trên khu vực Tam giác vàng đã có nhiều thay đổi, các đường dây buôn bán ma tuý vẫn hoạt động một cách công khai với sự hỗ trợ từ các bất ổn và xung đột.
Một trong những ông trùm khét tiếng khác là Khun Sa, người được biết đến với tên gọi "Vua thuốc phiện", người tự nhận là nhà lãnh đạo cách mạng của đội quân người Shan với 25.000 binh sĩ chiến đấu vì tự do. Ông còn được biết đến với cái tên "Hoàng tử chết".
Vào giữa những năm 80, Khun Sa đã kiếm được hàng trăm triệu USD mỗi năm từ vận chuyển thuốc phiện, lớn hơn nhiều so với những gì mà Pablo Escoba hay Joaquin "El Chapo" Guzman kiếm được. Khun Sa cai quản "vương quốc" của mình từ một căn cứ quân sự được bảo vệ bởi các vũ khí phòng không. Và cho đến nay với một số tổ chức sản xuất và buôn bán ma tuý, thực tế này vẫn không thay đổi nhiều.
Bất kể có các chiến dịch triệt phá của chính phủ, tình trạng tham nhũng tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế chợ đen trong khu vực. "Sự kết hợp giữa các tổ chức độc lập đang lợi dụng tình thế và kiếm tiền. Bất chấp các nỗ lực chính phủ nhằm giải quyết vấn nạn này, vẫn có nhiều yếu tố phức tạp đằng sau", Steve Chao, đạo diễn series về đường dây buôn bán ma túy nói.
"30 năm trước, bạn cần tới 100 nông dân để sản xuất 1 kg thuốc phiện; nhưng hiện nay chỉ cần 3 người để vận hành một phân xưởng với sản lượng lên tới hàng tấn methamphetamine mỗi ngày. Và bất cứ thứ gì mới mẻ xuất hiện ở thị trường thường bắt nguồn từ đây. Những người này cung cấp ma tuý cho toàn thế giới".
Vậy hàng cấm tiếp theo sẽ là gì?
"Đó có thể là một loại tổng hợp. Chúng tôi đã thấy sự xuất hiện trở lại của các nhà xưởng sản xuất ketamine, vốn rất được ưa chuộng ở Trung Quốc", Chao nói.
Bắc Kinh, theo Chao, "đã đóng vai trò tích cực nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán ma tuý vào và qua biên giới Trung Quốc. Nhưng đồng thời, UNODC đã nêu rõ rằng phần lớn các tiền chất - các chất hoá học dùng để sản xuất methaphetamine và ketamine - đều đến từ Trung Quốc. Từ đó, các tiền chất này được vận chuyển trên các xà lan dọc sông Mekong tới Tam giác vàng, từ đó trở thành các loại ma tuý và góp phần giết hại vô số người trên toàn cầu."
Như một chuyên gia về ma tuý đã nhận định, "chưa bao giờ việc trở thành một kẻ buôn lậu ma túy lại dễ dàng đến thế tại Tam giác vàng".
Theo Minh Khôi (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)