Truyền thông Hàn Quốc đưa tin tài tử Lee Sun Kyun qua đời trong tình trạng ngừng tim trong chiếc ôtô tại Công viên Waryong, Seoul ngày 27/12. Xports News , Yonhap News, Maekyung cho biết diễn viên Ký sinh trùng qua đời ngay tại thời điểm cảnh sát tìm thấy lúc 10h30.
Tại hiện trường Lee Sun Kyun qua đời, cảnh sát phát hiện dấu vết của than tổ ong . Truyền thông nhận định nam diễn viên chọn cách tự kết liễu vì không chịu được áp lực, giữa lúc anh bị điều tra vì bê bối dùng ma túy.
Vụ Lee Sun Kyun qua đời gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong xã hội Hàn Quốc, khi tỷ lệ tự tử ngày càng tăng. Trước đó, nam diễn viên bị cộng đồng mạng chỉ trích, sự nghiệp xuống dốc, hủy bỏ loạt phim và hợp đồng quảng cáo vì bê bối.
Những con số biết nói
Theo Korea Times, cơ quan phòng chống tự sát địa phương cho biết số ca tử vong do tự tử ở Hàn Quốc đã tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2023 trong nửa đầu năm, chủ yếu do áp lực.
Theo Tổ chức Phòng chống Tự tử Hàn Quốc, tổng cộng có 6.936 người tự tử ở Hàn Quốc từ tháng 1 đến tháng 6, tăng 8,8% so với 6.375 ca tử vong do tự tử cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do khó khăn tài chính, áp lực kinh tế, xã hội.
Có báo cáo cho rằng tỷ lệ tự tử của nước này sẽ tăng sau đại dịch chưa từng có do kinh tế khó khăn và các lý do khác. Chuyên gia cho biết tỷ lệ tự tử thường không cao trong thời kỳ khủng hoảng vì tất cả mọi người đều có chung cảm xúc, chẳng hạn như tình bạn và đoàn kết để vượt qua khủng hoảng.
Nhưng báo cáo cho thấy những người thiệt thòi cảm thấy bị bỏ rơi khi cá nhân mắc lỗi, trong khi xã hội chưa có cái nhìn bao dung. Tổ chức cho biết tính theo độ tuổi, 54% trong số 7.000 ca tử vong do tự tử là người ở độ tuổi 40, 50 và 60, cho thấy những ca tử vong phần lớn là do khó khăn kinh tế, áp lực tâm thần .
Theo Yonhap, Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số 38 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ( OECD ), dẫn đầu kể từ năm 2003. Dữ liệu cũng cho thấy mặc dù có xã hội công nghệ tiên tiến, Hàn Quốc có tỷ lệ hài lòng đứng 36/38 thành viên.
Sự cô đơn, nợ nần gia tăng và thiếu thời gian giải trí được cho là yếu tố khiến “điểm hạnh phúc” của Hàn Quốc bị hạ xuống 5,9, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của OECD là 6,7.
Xã hội không hào phóng với lỗi lầm của con người
Theo Telegraph, cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở Hàn Quốc chủ yếu do môi trường áp lực cao ở trường học và nơi làm việc, tình trạng thất nghiệp, thiếu mạng lưới an toàn xã hội cho người trung niên, người già và sự phổ biến của các giá trị văn hóa kỳ thị sức khỏe tâm thần kém.
Tiến sĩ Kwon Hea Kyung, nhà trị liệu tâm lý người Mỹ gốc Hàn, cho biết trầm cảm đặc biệt rõ rệt ở những người không cảm thấy được trao quyền. Một số yếu tố đằng sau cuộc đấu tranh về sức khỏe tâm thần của người dân Hàn Quốc cũng bắt nguồn từ quá trình hiện đại hóa nhanh chóng của đất nước vào cuối thế kỷ 20.
Tiến sĩ Kwon cho biết những điều này bao gồm từ dòng chảy gia trưởng mạnh mẽ ở Hàn Quốc, hiện diện trong mọi tầng lớp xã hội và có thể khiến bất kỳ ai cảm thấy bị đánh giá thấp, cho đến những quan niệm lâu đời về “sự xấu hổ”, “giữ thể diện” và sự tuân thủ.
“Xã hội Hàn Quốc không hào phóng với những người mắc sai lầm”, tiến sĩ nói.
Cường độ của cuộc khủng hoảng tự tử ngày càng gia tăng ở Hàn Quốc khiến mọi người tập trung vào nhu cầu cấp thiết cần được hỗ trợ sức khỏe tâm thần.
Trong tuyên bố với Telegraph , Bộ Y tế và Phúc lợi ( MOHW ) thừa nhận sự hỗ trợ của cơ quan chức năng giúp hạn chế vấn đề này là “rất cần thiết”, đồng thời nói thêm rằng đẩy mạnh chương trình ngăn chặn tự tử vào tháng 4/2023.
Tuy nhiên, các nạn nhân và chuyên gia cho rằng vẫn còn thiếu dịch vụ hỗ trợ tâm lý trên toàn quốc, nhất là sự liên kết, kết nối những người cần nó nhất với các nguồn lực sẵn có.
Sức khỏe tâm thần vẫn bị xem thường
Một bài báo trên Harvard International Review đã phác thảo cuộc đấu tranh trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần bất chấp tỷ lệ căng thẳng và trầm cảm gia tăng ở Hàn Quốc.
Báo cáo cho rằng có “cuộc khủng hoảng tiềm ẩn trên sông Hàn”, gần một phần tư người Hàn Quốc bị rối loạn tâm thần, nhưng chỉ có một phần mười được điều trị, chỉ vì trong tư duy mọi người cho rằng đó là điều cấm kỵ.
Tiến sĩ Paik Jong Woo, giáo sư tâm thần học tại Đại học Kyung Hee, giám đốc nhóm tình nguyện hỗ trợ y tế và tâm lý cho các gia đình tang quyến ở Itaewon, cho biết chính quyền phải vật lộn để giải quyết quy mô hỗ trợ tâm lý cần thiết.
“Chúng tôi có hệ thống cơ bản cho những người bất ổn về sức khỏe tâm thần nhưng chúng tôi không có đủ nhân lực. Cần phải cải cách và điều đó đang được tiến hành”, ông nói.
Các chuyên gia nhận định tỷ lệ tự tử “rất nghiêm trọng” của đất nước do quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng. Dù thoát nghèo đói, nhưng kéo theo hệ lụy là sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân, phá vỡ các mối quan hệ cộng đồng truyền thống, khiến bất kỳ ai cũng trở thành đối tượng bị bắt nạt, miệt thị.
“Chúng tôi phải xây dựng lại đất nước của mình một lần nữa. Sự thay đổi này được phản ánh qua thành phần dân số ngày càng bị cô lập của quốc gia. Điều này làm tăng khả năng dễ bị tổn thương của người dân đối với sức khỏe tâm thần kém", chuyên gia nói thêm.
Theo Trạch Dương (Tiền Phong)