Sau khi nghiên cứu đoạn video tăng T-90 bị tên lửa TOW bắn trúng, phần lớn kết luận của các chuyên gia đều cho rằng đây là lỗi của con người.
Sau khi hình ảnh chiếc tăng T-90 bị tên lửa TOW bắn trúng được công khai, hầu hết các phân tích đều cho rằng chiếc tăng này quá đơn độc khi tác chiến - một điều tối kỵ đối với lực lượng tăng thiết giáp.
Theo Viktor Murakhovsky, chuyên gia vũ khí và cựu lính lái xe tăng hiện là tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva, việc hành quân tác chiến đối với các đơn vị bộ binh cơ giới có xe tăng đi kèm luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trên chiến trường, cả xe tăng lẫn lực lượng bộ binh đều có nhiệm vụ hỗ trợ lẫn nhau về mặt hỏa lực lẫn chống các đợt phản công của đối phương.
Trong khi đó ở Syria, người ta thường thấy tình trạng các đơn vị xe tăng chiến đấu chủ lực của Quân đội chính phủ Syria thường hoạt động riêng lẻ. Chính điều này đã biến nó trở thành mồi ngon cho “xạ thủ” diệt tăng của lực lượng nổi dậy luôn biết các ẩn nấp trên chiến trường.
Và trong trường hợp chiếc T-90 bị bắn trúng là khi nó đang hoạt động tại thị trấn Sheikh-Akil phía tây bắc Aleppo nơi nhóm "Đại bàng núi Zawiya", một nhóm nhỏ thuộc quân đoàn 5 của Quân đội Tự Do Syria (FSA) đang giao tranh với quân chính phủ.
Ngay sau khi bắn trúng chiếc T-90, các tay súng dùng tên lửa TOW của quân nổi dậy đã rời khỏi khu vực.
Và theo Viktor Murakhovsky, sẽ không có bất cứ sự đột phá nào đối Quân đội chính phủ Syria ngay khi họ được trang bị các loại vũ khí hiện đại như T-90. Hay thậm chí cả tiêm kích đa năng Su-35, nếu như các loại vũ khí trên không được sử dụng một cách hiệu quả.
Sự thiếu hợp đồng tác chiến giữa các đơn vị bộ binh với lực lượng pháo binh hay không quân luôn là điểm yếu lớn nhất của Quân đội chính phủ Syria. Việc tác chiến riêng lẻ giữa các đơn vị bộ binh cơ giới trên chiến trường thường không mang lại ý nghĩa chiến lược lớn nào cả.
Tăng T-90 trước khi bị tên lửa TOW bắn trúng. |
Sử dụng sai cách
Theo Viktor Murakhovsky, kíp lái chiếc tăng T-90 đã mắc những sai sót cơ bản nhất khi sử dụng hệ thống vũ khí hiện đại này, và suýt phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Theo Murakhovsky, sai lầm thứ nhất của kíp lái là đã không bật hệ thống Shtora-1 trên xe, hoặc là do họ mở cửa phía trên khi chiếc tăng này hoạt động, vì vậy khiến cho hệ thống Shtora-1 vô tình bị ngắt.
Chính vì vậy, khi các đèn chế áp quang điện trên xe tăng không hoạt động, tên lửa TOW dễ dàng xuyên thủng lớp phòng ngự thứ nhất của T-90 và bắn trúng mục tiêu.
Sai lầm thứ hai của kíp lái là để mở nắp tháp pháo của chiếc T-90 trong quá trình tham chiến. Tăng T-90 được trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt-5 được làm bằng vật liệu tổng hợp với những miếng kim loại phản ứng nổ.
Video cho thấy lớp giáp Kontakt-5 này đã hoạt động tốt khi chiếc T-90 bị trúng quả tên lửa TOW. Một tiếng nổ lớn bùng lên từ giáp phản ứng nổ, đẩy đầu đạn của TOW-2A ra khỏi xe tăng, giúp cho lớp giáp chính không bị xuyên thủng.
Sau tiếng nổ, tháp pháo xe tăng vẫn còn nguyên vẹn, hộp đạn của súng máy 12,7 ly trên xe không bị bung ra, và không có dấu hiệu nào cho thấy đạn pháo bên trong xe tăng bốc cháy. Có thể nói T-90 đã sống sót một cách ngoạn mục sau cú đòn này.
Các xe tăng của Nga được chế tạo để chịu được hầu hết các vũ khí chống tăng tấn công từ bất kỳ phương vị nào ở góc trên dưới 30 độ so với trục máy. Tuy nhiên, vì nắp tháp pháo bị mở, sóng xung kích từ vụ nổ lớn có thể đã gây chấn động mạnh cho những người ngồi trong xe tăng, và hậu quả là người lính ở tháp pháo đã phải nhảy ra ngoài.
Theo Chúc Sơn (Đất Việt)