Vụ rơi trực thăng chở tổng thống Iran: Mỹ tiết lộ yêu cầu hiếm hoi từ Tehran

21/05/2024 10:20:55

Mỹ ngày 20-5 cho biết không thể chấp nhận yêu cầu hỗ trợ của Iran chủ yếu là vì lý do hậu cần, sau vụ tai nạn trực thăng khiến Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thiệt mạng.

Yêu cầu hiếm hoi từ Iran, quốc gia coi Mỹ và Israel là kẻ đối địch hàng đầu, đã được Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ trong cuộc họp báo ngày 20-5.

Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller: "Chúng tôi đã được chính phủ Iran yêu cầu giúp đỡ. Chúng tôi đã nói rõ với họ rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ, như chúng tôi sẽ làm để đáp lại bất kỳ yêu cầu nào của chính phủ nước ngoài trong tình huống này".

Ông Miller nói tiếp: "Cuối cùng, chủ yếu là vì lý do hậu cần, chúng tôi không thể giúp được".

Mảnh vỡ cháy đen của chiếc trực thăng chở ông Raisi, Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amirabdollahian cùng 6 hành khách và phi hành đoàn khác bị rơi ngày 19-5, đã được tìm thấy vào sáng sớm ngày 20-5 sau cuộc tìm kiếm suốt đêm trong điều kiện mưa gió và sương mù.

Đến giờ Iran vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào về nguyên nhân vụ rơi trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất ở vùng núi gần biên giới Azerbaijan.

Vụ rơi trực thăng chở tổng thống Iran: Mỹ tiết lộ yêu cầu hiếm hoi từ Tehran
Người dân Iran tưởng niệm cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Tehran ngày 20-5. Ảnh: Reuters

Khi được hỏi liệu có lo ngại rằng Tehran có thể đổ lỗi cho Washington hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh: "Mỹ không liên quan gì đến vụ tai nạn đó". "Tôi không thể suy đoán điều gì có thể là nguyên nhân gây tai nạn" – ông Austin nói thêm.

Reuters cho biết vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm bất đồng ngày càng gia tăng ở Iran về một loạt các cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và kinh tế. Giới lãnh đạo giáo sĩ Iran phải đối mặt với áp lực quốc tế về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran và mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc của nước này với Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Tuy nhiên, ông Austin đã hạ thấp mọi lo ngại của Mỹ rằng vụ tai nạn có thể gây ra những tác động an ninh ngay lập tức ở Trung Đông. Ông Austin cho biết: "Tôi không thấy bất kỳ tác động an ninh khu vực rộng lớn nào vào thời điểm này".

Về điểm tổ chức bầu cử Tổng thống sau khi ông Raisi tử nạn, theo hiến pháp của Cộng hòa Hồi giáo Iran, một cuộc bầu cử tổng thống mới phải được tổ chức trong vòng 50 ngày.

Hãng thông tấn TASS ngày 21-5 đưa tin Chủ tịch Cơ quan Bầu cử Iran Mohsen Eslami thông báo cuộc bầu cử bất thường để bầu ra Tổng thống mới của Iran sẽ được tổ chức vào ngày 28-6.

Hãng thông tấn Mehr của Iran dẫn thông báo của ông Eslami nêu rõ: "28-6 là ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 (trong lịch sử Iran)".

Theo ông Eslami, Hội đồng Giám hộ đã được yêu cầu bắt đầu đăng ký các ứng cử viên tổng thống trước ngày 28-5.

Hội đồng Giám hộ của Iran (một cơ quan siêu nghị viện bao gồm các thành viên của giới tăng lữ) chịu trách nhiệm thẩm định tư cách của các ứng cử viên tranh cử vào các vị trí điều hành trong chính phủ nước này, bao gồm cả chức vụ Tổng thống Iran.

Bà Suzanne Maloney, chuyên gia về Iran tại Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ), nghĩ ông Khamenei (Đại giáo chủ Ali Khamenei) và các cơ quan an ninh của Iran sẽ tìm cách tránh để mọi người có cảm thấy Iran dễ bị tổn thương trong giai đoạn chuyển tiếp này.

Theo Huệ Bình (Nld.com.vn)

Nổi bật