Tòa trọng tài thường trực (PCA) khẳng định có thẩm quyền xem xét 7 điểm trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông - Ảnh: PCATòa trọng tài thường trực (PCA) khẳng định có thẩm quyền xem xét 7 điểm trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông - Ảnh: PCA
Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ngày 29.10 đã ra phán quyết khẳng định tòa này có thẩm quyền xét xử đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Đơn kiện của Philippines không yêu cầu PCA xét xử về chủ quyền lãnh thổ của Philippines đối với các tranh chấp với Trung Quốc. Thay vào đó, các điểm trong đơn kiện của Manila liên quan tới việc diễn giải và áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Bắc Kinh cũng như các cáo buộc khác đối với Trung Quốc.
Các dấu mốc trong vụ kiện
Ngày 22.1.2013: Philippines gửi hồ sơ tố tụng chống lại Trung Quốc theo Phụ lục 7 của UNCLOS “liên quan đến tranh chấp với Trung Quốc về quyền tài phán trên biển của Philippines ở biển Tây Philippines”. Biển Tây Philippines là tên Philippines dùng để gọi Biển Đông.
Ngày 19.2.2013: Trung Quốc gửi Philippines công hàm ngoại giao nêu “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề Biển Đông”, đồng thời bác bỏ và trả lại thông báo của Philippines hồi tháng 1. Tòa trọng tài thường trực lúc này đóng vai trò là cơ quan đăng ký vụ tố tụng.
Ngày 30.3.2014: Philippines đệ trình biên bản ghi nhớ dày khoảng 4.000 trang, trong đó có lập luận về tuyên bố chủ quyền của Manila cũng như quyền tài phán của tòa. Manila cho rằng yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc là vô giá trị.
Ngày 7.12.2014: Trung Quốc ra tuyên bố không chấp nhận vụ kiện và khẳng định tòa trọng tài thường trực không có thẩm quyền xem xét vụ kiện này.
Ngày 16.12.2014: Sau khi Trung Quốc không gửi phản biện về biên bản ghi nhớ của Philippines theo thời hạn mà Tòa trọng tài thường trực đưa ra (ngày 15.12.2014), PCA đã yêu cầu Philippines trình thêm các lập luận bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến quyền tài phán cũng như luận chứng liên quan tới vụ kiện, thông qua 26 câu hỏi buộc Philippines giải thích rõ ràng.
Ngày 16.3.2015: Theo yêu cầu của PCA, Philippines trình thêm 3.000 trang tài liệu bổ sung, giải đáp các câu hỏi của tòa.
Từ ngày 7 - 13.7.2015: Tòa trọng tài thường trực tổ chức phiên tranh tụng đầu tiên về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông. Phiên tranh tụng có nội dung về thẩm quyền xét xử của PCA đối với vụ kiện. Theo thông cáo báo chí ngày 7.7 của PCA, đây sẽ là phiên xử kín. Tuy nhiên, sau khi nhận được văn bản yêu cầu từ các quốc gia liên quan, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản được phép cử đại diện tham dự phiên xử với tư cách quan sát viên.
Kết thúc phiên tranh tụng, PCA yêu cầu Philippines phải trình phần phúc đáp bằng văn bản đối với những câu hỏi bổ sung do các thẩm phán đưa ra trong phiên tranh tụng trước ngày 23.7. Ngoài ra, dù Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận tham gia vụ kiện, Tòa trọng tài thường trực vẫn cho nước này cơ hội đưa ra bình luận bằng văn bản đối với các lập luận của phía Philippines trước ngày 17.8.
Philippines đã trình đơn kiện Trung Quốc gồm 15 điểm. Tuy nhiên, phán quyết của PCA ngày 29.10 khẳng định, tòa này có thẩm quyền xem xét 7 trong số 15 điểm mà Philippines đưa ra.
7 điểm mà PCA khẳng định có thẩm quyền xem xét trong đơn kiện của Philippines gồm:
- Bãi cạn Scarborough không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
- Đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây và Đá Xu Bi là những kết cấu nửa chìm nửa nổi không được hưởng quy chế về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
- Đá Gaven và đá Ken Nan (bao gồm Đá Hu Gơ) là các thực thể nửa chìm nửa nổi không tạo ra lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy nhiên, ngấn nước triều thấp trên các thực thể này có thể được sử dụng làm đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn.
- Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên và Đá Chữ Thập không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
- Trung Quốc đã có hành vi bất hợp pháp khi ngăn chặn ngư dân Philippines kiếm sống, bằng cách can thiệp vào các hoạt động đánh bắt cá truyền thống tại bãi cạn Scarborough.
- Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Công ước bảo vệ và bảo tồn môi trường biển tại bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây.
- Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) bằng việc cho phép tàu của lực lượng hành pháp nước này thực hiện các hành vi nguy hiểm, gây ra nguy cơ va chạm lớn với tàu Philippines di chuyển trong vùng lân cận bãi cạn Scarborough.
Bên cạnh 7 điểm trên, 7 điểm khác đang trong giai đoạn xem xét đánh giá tính hợp lý và một điểm đang bảo lưu, PCA yêu cầu Philippines làm rõ điểm này.
Như vậy, vấn đề Philippines phản đối yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc chưa được PCA khẳng định thẩm quyền xem xét.
Các bước đi tiếp theo
Thông cáo ngày 29.10 của PCA cho biết, tòa này sẽ tổ chức phiên tranh tụng tiếp theo tại Hague, tuy nhiên không đưa ra thời gian cụ thể. Phiên tranh tụng sẽ là cơ hội để các bên trình bày miệng các lập luận của mình và trả lời các câu hỏi về các luận điểm của Philippine cũng như các vấn đề còn lại liên quan đến quyền tài phán.
Đây vẫn sẽ là phiên tranh tụng kín, tuy nhiên PCA sẽ xem xét đề nghị của các nước liên quan về việc cử đoàn tham dự với tư cách quan sát viên. Hiện nay, các nước đã gửi đề nghị tới PCA gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Nhật Bản. Các nước này cũng sẽ được thông báo về thời gian diễn ra phiên tranh tụng.
Theo Ngọc Mai (Thanh Niên Online)