Vụ 'nghi thả nhầm' bệnh nhân Mỹ về từ Vũ Hán: Đã cách ly đủ, xét nghiệm âm tính 2 lần nhưng lần 3 lại dương tính

03/03/2020 06:03:11

Thị trưởng thành phố San Antonio Ron Nirenberg đã chỉ trích CDC vì quyết định cho phép bệnh nhân này xuất viện.

Thành phố San Antonio (bang Texas, Mỹ) vừa phát hiện một trường hợp bệnh nhân từng 2 lần xét nghiệm âm tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) và được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho phép xuất viện, nhưng kết quả xét nghiệm sau đó lại cho thấy người này dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân là một người vừa được đưa về từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc - nơi khởi phát dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19). Theo lời Thị trưởng San Antonio, người này đã được đưa về khu cách ly tại căn cứ không quân San Antonio, và sau 2 lần xét nghiệm âm tính, Trung tâm về các Bệnh Truyền nhiễm của bang Texas đã cho phép người này xuất viện.

Bệnh nhân hiện đã được đưa trở về khu cách ly sau khi kết quả xét nghiệm lần thứ 3 được xác nhận, theo CNN.

Theo CNN, không chỉ riêng trường hợp tại San Antonio, mà trước đó CDC cũng từng nhận được nhiều lời khiếu nại về quy trình xét nghiệm, trong đó bao gồm vấn đề về bộ kit xét nghiệm do CDC phân phối, việc CDC thay đổi tiêu chí chẩn đoán bệnh và số lượng phòng thí nghiệm có khả năng xét nghiệm bị hạn chế.

Các quan chức thành phố San Antonio đã công bố bản thông cáo của CDC, trong đó nêu rõ người này đã được cách ly trong vòng vài tuần, và đã có kết quả xét nghiệm âm tính ít nhất 2 lần.

Theo tiêu chí của CDC, những người đã hết triệu chứng bệnh và được xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong 2 lần liên tiếp cách nhau hơn 24h sẽ được phép xuất viện.

"Vào thời điểm được xuất viện, bệnh nhân vẫn không có triệu chứng bệnh lý và hoàn toàn đạt đủ các tiêu chí của CDC để được xuất viện", theo thông cáo của cơ quan này.

Tuy nhiên, sau khi người này xuất viện, kết quả xét nghiệm lần thứ 3 lại cho thấy bệnh nhân "dương tính yếu" với virus SARS-CoV-2, do đó bệnh nhân đã được đưa đến cơ sở y tế địa phương để cách ly.

Hiện chưa rõ lý do các bác sĩ phải làm thêm thêm xét nghiệm đối với bệnh nhân nói trên. CNN vẫn chưa thể liên hệ với CDC.

Vụ 'nghi thả nhầm' bệnh nhân Mỹ về từ Vũ Hán: Đã cách ly đủ, xét nghiệm âm tính 2 lần nhưng lần 3 lại dương tính
Ảnh minh họa: Reuters

Các quan chức địa phương lo lắng

Theo thông cáo của CDC, "bệnh nhân đã tiếp xúc với những người khác sau khi được xuất viện, do đó CDC và các đối tác tại địa phương đang nỗ lực tìm kiếm những người từng tiếp xúc với bệnh nhân để theo dõi và thông báo cho họ về nguy cơ lây nhiễm".

Bình luận trên mạng xã hội Twitter, Thị trưởng San Antonio Ron Nirenberg đã bày tỏ lo ngại về trường hợp nói trên, đồng thời khẳng định rằng việc CDC cho phép bệnh nhân nhiễm COVID-19 xuất viện và tiếp xúc với cộng đồng là điều "không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ buộc CDC phải chịu trách nhiệm trong việc cung cấp các thông tin minh bạch đến với cộng đồng".

Cũng trong ngày hôm nay (2/3), lệnh cách ly đối với những công dân Mỹ trở về từ du thuyền Diamond Princess sẽ hết hạn. Thị trưởng Nirenberg cho biết chính quyền và Sở Y tế thành phố sẽ làm tất cả trong khả năng, "với sự chuyên nghiệp và tận tâm tối đa", để cộng đồng được an toàn.

Thẩm phán quận Bexar, ông Nelson Wolff, phát biểu: "Đây là mối lo ngại lớn nhất của chúng ta, và bây giờ chúng ta sẽ phải nếm trải những hậu quả vì đã không hành động. Tôi đã đề cập đến những vấn đề liên quan đến những "người trở về" rất nhiều lần, như chuyện nơi ở không phù hợp, nguy cơ lây nhiễm trong quá trình di chuyển, và sự cần thiết của việc theo dõi thêm, cũng như kéo dài thời gian cách ly".

 

Trong khi đó, phát ngôn viên của Sở Y tế thành phố San Antonio, bà Michelle Vigil cho biết trường hợp vừa được CDC cho phép xuất viện là 1 trong số 11 trường hợp nghi dương tính với virus SARS-CoV-2 mà cơ quan này đang theo dõi. 9/11 người trong số đó trở về từ du thuyền, 1 người trở về từ Vũ Hán, và 1 người khác được chuyển đến từ khu cách ly ở Miramar, California.

Việc chẩn đoán cho bệnh nhân tại Mỹ đã gặp phải không ít vấn đề. Khi dịch bệnh vừa mới bùng phát, CDC đã ban hành một văn bản hướng dẫn, trong đó quy định những người từng có lịch sử đi lại tới Trung Quốc hoặc từng tiếp xúc với một người từng đến Trung Quốc mới phải xét nghiệm.

Tuy nhiên, sau khi trường hợp bệnh nhân ở Bắc California nhiễm bệnh dù không đạt những điều kiện tiên quyết nói trên, CDC đã phải bổ sung thêm vào nội dung tiêu chí chẩn đoán.

2 tuần trước, CDC từng nhận được khiếu nại từ một số bang về vấn đề của các bộ kit xét nghiệm, khiến CDC phải làm lại một số phần trong quy trình xét nghiệm. Các chuyên gia y tế cũng từng bày tỏ lo ngại về việc thiếu dụng cụ thử nghiệm.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ Mỹ đang nỗ lực tăng cường khả năng xét nghiệm và đã gửi hơn 15.000 bộ kit xét nghiệm tới các phòng thí nghiệm trên cả nước trong cuối tuần qua, theo Phó Tổng thống Mike Pence. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, Alex Azar, số phòng thí nghiệm có khả năng thực hiện loại xét nghiệm này cũng đã được tăng cường.

Theo Hồng Anh (Trí Thức Trẻ)