Theo BBC, chiếc máy bay vừa gặp nạn của hãng hàng không Lion Air từng gặp một vấn đề kỹ thuật trong chuyến bay ngay trước đó vào ngày chủ nhật 28/10 từ sân bay Denpasar, Bali đến Jakarta.
Trục trặc kỹ thuật
Tài liệu nhật ký bay cho thấy trong chuyến bay này, đồng hồ đo tốc độ bên phía cơ trưởng đã thể hiện những con số không đáng tin cậy. Chỉ số về độ cao của đồng hồ bên phía cơ trưởng cũng không giống với đồng hồ bên phía cơ phó.
Để tiếp tục hành trình, cơ trưởng đã phải nhường quyền kiểm soát cho cơ phó để điều khiển máy bay cho đến khi hạ cánh an toàn tại sân bay Jakarta.
CEO Edward Sirait của Lion Air cũng xác nhận chiếc máy bay vừa rơi đã gặp "vấn đề kỹ thuật" vào ngày 28/10 nhưng mọi chuyện đã được "khắc phục theo đúng quy trình".
Hiện chưa rõ vấn đề kỹ thuật từ nguồn tin của BBC và vấn đề mà CEO Edward Sirait nhắc tới có phải là một hay không. Lion Air cũng chưa đưa ra xác nhận nào về vụ việc này.
Hãng hàng không giá rẻ của Indonesia từng cho biết họ rất tự hào vì là công ty đầu tiên ở đất nước này sử dụng dòng máy bay mới của hãng Boeing. Những chiếc 737 MAX 8 bắt đầu được hãng sản xuất máy bay Mỹ bàn giao cho các đối tác vào năm 2017.
Chiếc máy bay gặp nạn của hãng Lion Air mới chỉ được đưa vào sử dụng từ ngày 15/8. Người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia ông Soerjanto Tjahjano cho biết chiếc máy bay mới hoạt động tổng cộng 800 giờ.
Máy bay quá mới
Trả lời đài BBC, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không Gerry Soejatman cho rằng thông thường máy bay cũ có nguy cơ gặp tai nạn cao hơn nhưng máy bay mới cũng có một số vấn đề.
"Nếu chiếc máy bay quá mới, đôi khi khiếm khuyết chỉ lộ ra sau khi nó được sử dụng một thời gian. Những vấn đề này thường được phát hiện và xử lý sau khoảng ba tháng đầu tiên", Soejatman nói. Máy bay của Lion Air sẽ cán mốc ba tháng hoạt động trong vài tuần nữa.
Trong khi đó ông Jon Ostrower, nhà phân tích của tạp chí hàng không The Air Current nhận định: "Luôn có những vấn đề mới phát sinh. Điều này là phổ biến nhưng thường thì những lỗi này khác xa với một vấn đề có thể ảnh hướng đến an toàn bay. Ông Ostrower cũng cho rằng máy bay mới thường ít phải bảo trì bởi hầu như mọi thứ còn rất mới.
Cả hai nhà phân tích đều cho rằng còn quá sớm để kết luận nguyên nhân gây ra tai nạn trên chuyến bay JT610. Ông Ostrower cho rằng có thể có rất nhiều yếu tố khác nhau kết hợp gây ra một tai nạn như thế này. Trong khi đó, ông Soejatman thì tin rằng nguyên nhân đến từ lỗi kỹ thuật nhưng cần thêm thông tin để có thể xác định điều này.
Hiện lực lượng tìm kiếm vẫn chưa thể tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay, nhiệm vụ này trở nên khó khăn khi thiết bị phát tín hiệu khẩn cấp của chiếc máy bay có vẻ như không hoạt động. Ông Muhammad Syaugi, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia, cho biết họ vẫn chưa nhận được tín hiệu từ thiết bị này.
Lịch sử của ngành hàng không Indonesia với độ an toàn không cao khiến cho các chuyên gia tin rằng sai lầm của con người hoặc thiếu sự giám sát chặt chẽ có thể là nguyên nhân gây ra thảm kịch hôm 29/10. Việc tìm thấy hộp đen sẽ hỗ trợ việc điều tra nguyên nhân tai nạn.
Trong thông báo chính thức, hãng Boeing bày tỏ "nỗi buồn sâu sắc" trước vụ tai nạn. Tập đoàn sản xuất máy bay Mỹ chia sẻ sự cảm thông với mất mát của gia đình các nạn nhân và cho biết họ sẽ hợp tác tích cực với các cơ quan điều tra.
737 MAX là dòng sản phẩm bán chạy nhất trong lịch sử của Boeing, cho đến nay hãng đã có gần 4.700 đơn hàng cho loại máy bay này.
Những chiếc 737 MAX 8 được đặt hàng từ các hãng hàng không lớn nhất thế giới trong đó có American Airlines, United Airlines, Norwegian Air và FlyDubai.
Theo Sơn Trần (Tri Thức Trực Tuyến)