Theo National Interest, Bộ Quốc phòng Iraq hồi đầu tháng này công bố một đoạn video về máy bay không người lái (UAV) CH-4B do Trung Quốc sản xuất cũng như ca ngợi hết lời loại máy bay sánh ngang “sát thủ” MQ-1 Predator của Mỹ.
Iraq nói máy bay không người lái CH-4B đã thực hiên 260 đợt không kích nhằm vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) với tỷ lệ thành công đạt mức tuyệt đối 100%.
Thương vụ mua máy bay không người lái CH-4B được Iraq xúc tiến từ năm 2016, sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc đến nước này.
Thoạt nhìn, mẫu CH-4B khá giống với phiên bản General Atomics MQ-1 Predator của Mỹ, do công ty China Aerospace Long March International thiết kế.
Phiên bản CH-4B Trung Quốc chuyển giao cho Iraq có thể mang theo 345kg vũ khí, bao gồm 2 tên lửa chống tăng AR-1/HJ-10 và hai bom dẫn đường GPS FT-9. Máy bay còn được bổ sung tên lửa dẫn đường bằng laser, nâng độ chính xác lên mức tuyệt đối.
CH-4B hoạt động ở tầm cao tối đa 7.000 m, tốc độ tối đa lên đến 210 km/giờ. Thời gian hoạt động của máy bay lên tới 14 tiếng, phạm vi 250km. Iraq đặt mua 3 chiếc CH-4B vào đầu năm 2015 và những bức ảnh xuất hiện tháng 3 năm đó khẳng định điều này.
MQ-1 Predator của Mỹ chỉ vượt trội hơn một chút ở khả năng mang 500kg bom đạn, tầm hoạt động 1.100km và thời gian hoạt động liên tục 24 giờ.
Kể từ đó, mẫu máy bay không người lái này đã thực hiện nhiều sứ mệnh do thám không quân al-Kut, Iraq. Ngày 10.10.2015, một chiếc CH-4B mang số hiệu YI-801 đã cất cánh thực hiện nhiệm vụ không kích trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khaled al-Obeidi.
Máy bay khi đó mang theo 2 tên lửa HJ-10 và đã khai hỏa nhằm vào mục tiêu trên mặt đất ở phía đông nam thủ đô Baghdad.
Trong nhiệm vụ này, chiếc UAV chỉ hoạt động trong phạm vi hiệu quả của sóng radio mà không sử dụng tín hiệu vệ tinh. Một quân nhân Trung Quốc có mặt trong phòng điều khiển khi máy bay làm nhiệm vụ. Điều này cho thấy Iraq vẫn chưa thể tự mình điều khiển loại máy bay không người lái này.
Hai tháng sau, một chiếc CH-4B tham gia oanh tạc ở thành phố Ramadi, Iraq. Đợt không kích phá hủy một khẩu pháo được khủng bố IS cất giấu trong nhà máy bỏ hoang. Khẩu pháo này từng được sử dụng để tấn công quân đội Iraq, khi đó đang tập kết tại một cây cầu ở phía tây bắc thành phố.
Kể từ đó, Iraq liên tục sử dụng CH-4B cho các nhiệm vụ chống khủng bố. Trong vòng hơn một tháng, CH-4B đã phá hủy nhiều xe chiến đấu, một cơ sở sản xuất bom và kho chứa đạn dược của IS.
Đến ngày 1.3.2016, Iraq bắt đầu chiến dịch giải phóng thành phố Samarra. Chiếc CH-4B đã vô hiệu hóa một loạt các xe đánh bom tự sát mà IS bố trí tại đây, giúp giảm đáng kể thương vong dưới mặt đất.
Hai tháng sau, một phi đội CH-4B đã theo dõi hoạt động của khủng bố IS tại Fallujah. UAV này dùng tên lửa HJ-10 để tập kích một xe mang thuốc nổ tự chế.
Những thành công trên chiến trường Iraq giúp Trung Quốc quảng bá mẫu CH-4B ra khắp khu vực. Mẫu UAV chiến đấu này được Ả Rập Saudi và Ai Cập đặt hàng. Ả Rập Saudi dùng CH-4B cho nhiệm vụ chống phiến quân nổi dậy ở Yemen.
Tháng 9.2016, một chiếc CH-4B đã bị quân nổi dậy Houthi tại Yemen bắn rơi. Đây được coi là tổn thất đầu tiên của UAV Trung Quốc khi tham chiến ở nước ngoài.
Năm 2017, Ả Rập Saudi công bố thỏa thuận trị giá 65 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực, bao gồm việc cho phép Trung Quốc sản xuất các loại phi cơ không người lái tại quốc gia này.
Rõ ràng là Ả Rập Saudi khá hài lòng với màn trình diễn của CH-4B ở Yemen. Giá thành sản xuất một UAV vũ trang này chỉ vào khoảng 4 triệu USD, rẻ hơn mức 20 triệu USD cho gói mua MQ-1 Predator của Mỹ với trung tâm điều khiển trên mặt đất.
National Interest kết luận, CH-4B là loại khí tài quân sự gieo rắc nỗi kinh hoàng cho khủng bố IS ở Iraq.
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)