Ukraine tính kế phản công
Hơn 150 ngày kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, giám đốc cơ quan tình báo MI6 của Anh Richard Moore đã nhận định rằng Ukraine có thể tận dụng cơ hội phản công khi quân đội Nga đã cạn kiệt nguồn lực.
Giới lãnh đạo Ukraine cho rằng họ ngày càng có nhiều lý do để thực hiện một cuộc phẩn công lớn, cả trên chiến trường và ngoài chiến trường. Những lý do này bao gồm tỷ lệ thương vong giảm, tuyên bố cứng rắn của Nga gần đây vầ các mục tiêu tại Ukraine, nhu cầu cần khôi phục kinh tế, sự suy thoái kinh tế toàn cầu trước sức ép chấm dứt chiến tranh.
Ngày 24/7, Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết trong một báo cáo hàng ngày rằng cuộc phản công của Ukraine ở khu vực Kherson có lẽ đã bắt đầu. Báo cáo từ think tank có trụ sở tại Washington này cũng cho rằng đã có sự suy giảm đáng kể trong hàng rào pháo binh của Nga ở chiến trường Donbass kể từ 15/7 trước uy lực của hệ thống pháo phản lực HIMARS. Hệ thống tên lửa phóng loạt này với tầm bắn 80 km được cho là đã phá hủy hàng chục kho quân sự của Nga.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh cũng cho biết ngày 25/7 rằng Ukraine đã phá hủy tất cả những cây cầu kết nối giữa lực lượng Nga ở Kherson và tuyến hậu cần của họ ở bờ Đông sông Dnipro.
"Chúng ta có tiềm năng đáng kể cho cuộc tiến công của các lực lượng trên tiền tuyến và gây ra những tổn thất to lớn cho những kẻ chiếm đóng", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay sau cuộc gặp với các quan chức an ninh hàng đầu hôm 21/7.
Ông Zelensky thông báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Wall Street Journal rằng, thương vong trên chiến trường ở Ukraine đã giảm xuống 30 người/ngày, so với con số 100 - 200 người/ngày hồi tháng 5 và tháng 6. Ông cũng một lần nữa bác bỏ bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cho phép Nga kiểm soát lãnh thổ của Ukraine.
Tất cả những điều này cho thấy cuộc chiến đang bước vào một giai đoạn mới, ông Phillips O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St.Andrews ở Scotland nhận định. Đầu tiên, Nga tiến vào Kiev và sau đó rút khỏi thủ đô của Ukraine. Trong giai đoạn thứ hai, họ tập trung lực lượng ở miền Đông và đạt được một số thành quả quân sự nhờ sử dụng pháo binh.
"Nếu việc Nga suy giảm hỏa lực ở Donbass tiếp diễn, về cơ bản cuộc xung đột này sẽ đóng băng và câu hỏi được đặt ra là liệu Ukraine có thể đẩy lùi họ hay không?", ông O'Brien đánh giá.
Các chỉ huy của Ukraine có thể sẽ thận trọng bởi trong khi họ đang cố gắng đối phó với những vũ khí phòng vệ hiện đại, các xe tăng, máy bay và binh lính của Ukraine sẽ đối mặt với những rủi ro tương tự như quân đội Nga.
Sức ép gia tăng với cả Ukraine và Nga
Hiện vẫn còn nhiều điều không chắc chắn để nói về một chiến dịch phản công của Ukraine, trong đó có việc các chỉ huy Nga đang xây dựng lại tuyến hậu cần nhằm đối phó với HIMARS và tăng cường không lực để phá hủy chúng. Nếu Nga thúc đẩy các chiến dịch tấn công, điều đó có thể đồng nghĩa với việc bất kỳ cánh cửa cơ hội nào cho Ukraine phản công đều có thể khép lại.
Khả năng Ukraine đảo ngược những thành quả của Nga hiện vẫn chưa rõ, nếu kiev không được đảm bảo trước về số lượng pháo, phương tiện bọc thép và các hệ thống phòng không từ các nước phương Tây. Mặc dù Kiev đã tiến hành nhiều cuộc phản công kể từ khi chiến tranh nổ ra ngày 24/2 nhưng chúng chủ yếu diễn ra trên quy mô nhỏ.
Tổng thống Ukraine Zelensky cam kết vào tháng trước sẽ giành lại những lãnh thổ đã mất ở phía Nam. Việc Nga kiểm soát Kherson đã ngăn Ukraine tiếp cận biển và làm tê liệt trung tâm công nghiệp dọc sông Dnipro khi nhiều thành phố và nhà máy lớn cách tiền tuyến chỉ 50 km.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần trước nhận định, Moscow sẽ mở rộng các mục tiêu quân sự ngoài khu vực Donbass và hướng tới kiểm soát cả các tỉnh Kherson và Zaporizhzhia. Ông Lavrov cũng dẫn ra rằng việc phương Tây vận chuyển vũ khí tầm xa hơn cho Ukraine đang đặt Donetsk, Lugansk và Nga đứng trước các mối đe dọa.
Ngoài ra, khu vực Kherson và Zaporizhzhia đang chuẩn bị trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga. Moscow cũng đang khuyến khích cư dân của các tỉnh này nộp đơn xin cấp hộ chiếu Nga. Việc các khu vực trên sáp nhập vào Nga sẽ gây ra những rủi ro cho bất kỳ cuộc phản công nào của Ukraine bởi điện Kremlin có thể coi đó là một cuộc tấn công vào nước Nga.
Ukraine còn đang đứng trước sức ép thể hiện với Mỹ và châu Âu rằng nước này có khả năng thực hiện một cuộc phản công thành công trước khi các nước trên lún sâu vào khủng hoảng năng lượng, lạm phát và suy thoái do ảnh hưởng từ cuộc xung đột đang diễn ra.
Sức ép đảm bảo giữ vững các thành quả cũng tăng dần với Nga bởi hiện nay, pháo binh của Ukraine có thể tấn công vào các thành phố do Nga kiểm soát, chẳng hạn như Donetsk. Vấn đề chính là trong khi Ukraine nhận được ngày càng nhiều vũ khí hiện đại thì Nga đang phải chuyển sang sử dụng những xe tăng, súng ống và tên lửa cũ hơn, một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Cũng theo nguồn tin này, một cuộc phản công của Ukraine ở Kherson có thể thành công trong ngắn hạn bởi Kiev có nhiều binh lính hơn và có sự hỗ trợ ở Dnipro trong khi lực lượng của Nga tương đối yếu hơn.
Cuối cùng, "đây vẫn là cuộc chiến pháo binh và điều đó tức là, điều chúng ta cần nhất là có nhiều pháo hơn, bao gồm cả các loại pháo chiến thuật với tầm bắn từ 20 - 25 km, cả HIMARS với tầm bắn 80 km và Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) với tầm bắn lên tới 300 km", Mykola Bielieskov, một học giả nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia - một think tank của chính phủ Ukraine cho hay.
Mỹ hiện vẫn chưa cung cấp ACTACMS cho Ukraine.
"Mặc dù có khả năng huy động lực lượng với nhiều phương tiện bọc thép, nhiều hệ thống phòng không hơn để bảo vệ quân đội khi di chuyển và đảm bảo liên lạc nhưng đây là một quá trình và hiện còn quá sớm để nói rằng phòng tuyến của Nga đã ổn định", ông Bielieskov cho hay.
Theo Kiều Anh (Vov.vn)