Theo RT, cùng với Nga, quân đội Trung Quốc và Mông Cổ cũng sẽ góp mặt trong loạt cuộc tập trận mang tên Vostok-2018 diễn ra tại Siberia và vùng Viễn Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu đánh giá, Vostok-2018 có quy mô chưa từng có về mặt địa lý và số lượng quân nhân tham gia.
Vostok-2018 sẽ chính thức được khai hỏa trong tháng 9/2018. Bộ trưởng Shoigu nêu rõ: "Lực lượng Quân khu Miền Đông và Miền Trung, Hạm đội Phương Bắc, máy bay vận tải quân sự, các trung tâm chỉ huy và lực lượng vũ trang Mông Cổ, Trung Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận chung này".
Tuy nhiên, Nga chưa công bố chi tiết tổng số quân nhân sẽ tham dự Vostok-2018. Trong khi đó Trung Quốc xác nhận sẽ cử 3.000 binh sĩ tới dự. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết thêm sẽ đưa 900 đơn vị vũ khí, 30 chiến đấu cơ và trực thăng tới Nga tham gia tập trận.
Tập trận lớn nhất trong lịch sử Xô viết được tổ chức năm 1981, tuy nhiên Vostok-2018 được dự kiến vượt qua cả quy mô của cuộc tập trận Zapad-2017, cuộc tập trận năm 1981 và sẽ tạo tâm lý lo lắng cho phương Tây.
Sự lo lắng của phương Tây hoàn toàn dễ hiểu bởi không chỉ vì quy mô, số lượng vũ khí trong cuộc tập trận này mà đó còn có sự xuất hiện của vũ khí khiến phương Tây e ngại nhất hiện nay, đó là tổ hợp Iskander-K của Quân đội Nga.
Được biết, Iskander-K cũng đã được Nga lần đầu phóng tại Zapad-2017. Vụ phóng được đơn vị tên lửa chiến lược của Quân khu phía Tây thực hiện vào giai đoạn cuối của cuộc tập trận chung giữa Nga và Belarus này.
Khi nói về sức mạnh của phiên bản Iskander-K, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Sergei Ivanov cho biết, Iskander-K sử dụng đạn tên lửa R-500 có tầm bắn khoảng 2.000 km, bán kính lệch mục tiêu CEP chỉ khoảng 7 mét.
Nó được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai ở khu vực châu Âu. Tên lửa này có khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Cũng có thông tin cho rằng, tên lửa R-500 có thể đạt tốc độ siêu thanh Mach 5 ở độ cao 50 km.
Mặc dù thông tin chính thức về cả R-500 và Iskander-K vẫn còn khá nhiều bí ẩn nhưng nó cho thấy rằng sự xuất hiện của loại tên lửa này đã khiến các nước NATO đứng ngồi không yên. Đặc biệt khi còn xuất hiện thông tin Nga triển khai cả phiên bản K của tổ hợp Iskander tại vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad.
Thông tin này đã khiến phương Tây có những phản ứng khác nhau. Theo Phó Tổng thư ký NATO, ông Rouz Gettemyuller, các thành viên của khối liên minh là láng giềng với Nga đều cho rằng, việc Nga triển khai các tổ hợp tên lửa Iskander-K ở khu vực Kaliningrad trở thành mối đe dọa an ninh đối với họ và cả châu Âu.
Không chỉ có vậy, ông Gettemyuller còn cho biết thêm rằng, Nga vừa phóng Iskander-K và điều này vi phạm nghiêm trọng Hiệp ước hạn chế phát triển tên lửa tầm trung (INF).
Trong khi đó, người đứng đầu tổ chức tình báo Đức Bruno Kahl trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Der Spiegel đã nhấn mạnh rằng, mối đe dọa đến từ Nga đang ngày càng tăng cường và phát triển.
Ông Bruno Kahl nói: "Nga đã tăng gấp đôi sức mạnh chiến đấu của họ ở biên giới phía Tây. Không đơn thuần chỉ tổ hợp Iskander-K, còn có nhiều máy bay ở cả những khu vực khác như Crimea. Hành động này được xem là mối đe dọa tiềm tàng đối với cả châu Âu".
Theo Thùy Dung (Baodatviet.vn)