Bà Mạnh trở lại Tòa án Tối cao British Columbia hôm 16-11 sau khi vụ kiện nhằm yêu cầu dẫn độ bà sang Mỹ được nối lại.
Các luật sư của bà Mạnh đang nỗ lực để chứng minh điều họ khẳng định là quyền dân sự của bà bị xâm phạm trong các sự kiện dẫn đến vụ bắt giữ. Họ nhấn mạnh việc một viên sĩ quan cảnh sát của Canada từ chối làm chứng trước tòa là "đáng lo ngại".
Bà Mạnh, 48 tuổi, bị cảnh sát Canada bắt giam hồi tháng 12-2018 tại sân bay quốc tế Vancouver theo yêu cầu của Mỹ. Bà đang đối mặt với những cáo buộc liên quan đến lừa đảo ngân hàng HSBC, khiến ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. Bà khẳng định mình vô tội và đang đấu tranh pháp lý để không bị dẫn độ sang Mỹ.
Hôm 16-11, luật sư bào chữa Richard Peck khẳng định với tòa án Canada rằng một trong những nhân chứng quan trọng liên quan đến vụ bắt giữ bà Mạnh, Thượng sĩ Ben Chang của Cảnh sát Cơ giới Hoàng gia Canada (RCMP), sẽ không ra làm chứng sau khi nhận được sự tư vấn từ một luật sư.
Theo hồ sơ tố tụng, ông Chang (hiện đã về hưu) được cho là đã gửi thông tin về các thiết bị điện tử của bà Mạnh cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Ông Chang đã phủ nhận thông tin này.
Phiên tòa hôm 16-11 là phiên tòa mở đầu cho quá trình lấy lời khai của các nhân chứng trong 10 ngày. Luật sư của bà Mạnh và của chính phủ Canada sẽ kiểm tra chéo nhân viên thực thi pháp luật và giới chức biên giới Canada, những người liên quan đến giai đoạn điều tra ban đầu cũng như vụ bắt giữ bà Mạnh.
Các phiên tòa dẫn độ bà Mạnh dự kiến kết thúc vào tháng 4-2021 song những động thái kháng án tiềm tàng có thể khiến vụ việc kéo dài thêm nhiều năm.
Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) trong một tuyên bố hôm 16-11 khẳng định các phiên tòa đã tiết lộ "thông tin quan trọng" về vụ bắt giữ bà Mạnh và họ "có niềm tin lớn lao về sự vô tội của bà Mạnh, cũng như về tính toàn vẹn của hệ thống tư pháp Canada".
Theo Cao Lực (Nld.com.vn)