Theo thông tin trên tờ SCMP, hàng xóm của Kanti Utami đã chạy tới hiện trường kiểm tra khi nghe tiếng la hét của những đứa trẻ vào sáng sớm cùng ngày. Họ trình báo với cảnh sát rằng đã phát hiện ra Utami trong tình trạng người dính đầy máu, tay vẫn còn cầm hung khí mà cô được cho là sử dụng để cắt cổ các con.
Utami được cho là đã nói với cảnh sát rằng cô "không bị điên", nhưng chồng cô thường xuyên thất nghiệp và cô không muốn các con chịu khổ.
"Tôi muốn cứu các con để chúng không vất vả trong cuộc sống. Chúng không cần phải thấy buồn," người mẹ 35 tuổi nói.
Sau những bình luận của Utami, dư luận Indonesia đặt câu hỏi vì sao cô lại gây tội ác như vậy. Nhà tâm thần học Irna Minauli ở Medan, Bắc Sumatra cho rằng nghiên cứu cho thấy những người mẹ sát hại con ruột có thể do nhiều nguyên nhân.
"Nghiên cứu cho thấy các vụ án mẹ giết con có thể diễn ra vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như rối loạn tâm thần, các vấn đề trong các mối quan hệ và bạo hành gia đình. Trong trường hợp những người mẹ gây án như vậy, họ có thể là nạn nhân của bạo lực, đặc biệt là khi họ còn nhỏ, Minauli giải thích.
"Đôi lúc, người mẹ có thể ra tay giết con vì cho rằng đó là hành động vì tình yêu. Họ tin rằng họ có thể giải cứu các con khỏi số phận tệ hơn cái chết," nhà tâm thần học bổ sung.
Theo thông tin của báo chí địa phương, Utami hành nghề trang điểm, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy cô cũng làm việc tại các đám cưới và một số sự kiện khác, đồng nghĩa sinh kế có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giới hạn phòng ngừa Covid-19 trong hai năm qua.
"Theo luật pháp Indonesia, nếu cảnh sát xác định đây là một vụ giết người tính toán trước, hình phạt tối đa là tử hình. Luật pháp không quy định cha mẹ giết con đẻ là tội nặng hơn những tội giết người khác, nhưng các thẩm phán khi kết án có thể tính đến tình tiết này, bởi cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ con cái," Berlian Simarmata giải thích, đồng thời cho rằng cần đánh giá sức khỏe tâm thần của Utami trước khi truy tố.
"Chìa khóa cho vụ án là xác định liệu nữ nghi phạm tinh thần có bình thường khi gây án hay không. Tình trạng tâm thần của cô ta có góp phần vào việc gây án hay không? Khi bị bắt, cô ta nói bản thân không bị điên," Berlian Simarmata bổ sung.
Nhà tâm thần học Minauli cho rằng nhiều phụ nữ giết con đx từng trải qua rối loạn tâm thần nghiêm trọng gây ra bởi chứng trầm cảm sau khi sinh.
"Các vấn đề thay đổi hóc môn và sinh học diễn ra trong thời điểm sau khi sinh thường xảy ra cùng lúc với tình trạng lo âu, làm thay đổi hoàn toàn cách người ta nghĩ," Minauli giải thích.
Nhà tâm thần học bổ sung thêm rằng các trường hợp mẹ giết con thường có xuất thân kinh tế-xã hội thấp, từng bị cô lập về mặt xã hội hoặc trải qua tình trạng bạo lực gia đình khi còn nhỏ.
"Các tác nhân gây stress như kinh tế, các yếu tố xã hội, tiền sử bạo lực, các vấn đề với bạn đời và khó khăn khi nuôi con cũng có thể góp phần gây ra những vụ án giết con như vậy," bà giải thích.
Zuma, giám đốc Quỹ Hỗ trợ Pháp lý thuộc Hiệp hội Phụ nữ vì Công lý Indonesia cho rằng vụ án đặc biệt phức tạp và có thể cho thấy những vấn đề xã hội ở Indonesia, chẳng hạn như tình trạng người mẹ phải chịu trách nhiệm chính trong nuôi dạy con cái.
"Thiếu những hệ thống hỗ trợ ở Indonesia dẫn tới việc phụ nữ thường phải chịu trách nhiệm nuôi dạy con cái, ngay cả trong những trường hợp khó khăn. Đây thường không được coi là trách nhiệm của người chồng. Phụ nữ thường được dạy phải chịu đựng gánh nặng một mình và chấp nhận tất cả những gì mà họ nhận được, ngay cả khi điều đó không đủ để hỗ trợ gia đình," Zuma giải thích.
Năm 2006, một phụ nữ ở Bandung, Tây Java đã sát hại ba người con, khai nhận rằng cô không thể mua thức ăn cho các con được nữa. Một vụ việc tương tư diễn ra vào tháng 12/2020, khi một người mẹ 30 tuổi ở Bắc Sumatra giết ba con nhỏ vì không thể chịu được gánh nặng kinh tế.
"Tôi cho rằng Utami và các con của cô đều là nạn nhân. Họ là nạn nhân của văn hóa và tình hình," Zuma nói.
Hà An (Nguoiduatin.vn)