Từ vụ cưỡng hiếp tập thể khiến cả Hàn Quốc phẫn nộ...
Vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng này xảy ra vào năm 2004 tại thành phố Miryang, Hàn Quốc. Nạn nhân là một nữ sinh 14 tuổi bị nhóm gồm 41 nam sinh thay phiên nhau cưỡng hiếp trong suốt 11 tháng. Được biết, 2 bên quen biết nhau qua những lần trò chuyện trên mạng và khi hẹn gặp mặt, nữ sinh này không hề biết điều khủng khiếp đang chờ mình phía trước.
Theo điều tra của cảnh sát, các nam sinh chia ra thành từng nhóm từ 3 đến 24 người mỗi lần xâm hại tình dục, đồng thời tiến hành quay clip để đe dọa cũng như tống tiền nạn nhân.
Nữ sinh 14 tuổi này sau đó còn bị các nam sinh kia yêu cầu đưa em gái 13 tuổi và chị họ 16 tuổi đến gặp chúng nếu không muốn hình ảnh trên bị tung lên mạng. Khi đến nơi, 2 người thân của nạn nhân đều lần lượt bị cưỡng bức tập thể.
Sự việc được đưa ra ánh sáng nhờ dì của nạn nhân nhưng khi đó chỉ có 3 nam sinh bị bắt. Sau khi công bố trên các phương tiện truyền thông, vụ án như một đòn giáng mạnh mẽ làm chấn động xã hội Hàn Quốc, nhất là ngành giáo dục. Sau khi điều tra, cảnh sát tiến hành bắt giữ thêm 9 nam sinh có liên quan đến vụ việc.
Trong thời gian đó, gia đình của những kẻ phạm tội không những không xin lỗi mà còn lớn tiếng đe dọa nạn nhân, bắt họ không được khai ra. “Để rồi xem sau khi tố cáo rồi các người sẽ sống thế nào. Cẩn thận đấy!” - một người đe dọa.
“Tại sao phải cảm thấy có lỗi với gia đình nạn nhân? Chẳng phải chúng tôi cũng đang phải chịu đựng hay sao? Ai mà cưỡng lại được sự cám dỗ của một đứa con gái đang cố quyến rũ mình cơ chứ? Họ nên xem lại cách dạy dỗ con cái để không xảy ra những chuyện tương tự thế này đi” - phụ huynh của một kẻ phạm tội trả lời phỏng vấn ngay trên sóng truyền hình.
Không chỉ vậy, các nạn nhân còn bức xúc cho biết họ bị xúc phạm nặng nề trong quá trình điều tra khi phía cảnh sát chủ động tiết lộ thông tin về danh tính của người bị hại với giới truyền thông. Dù có thể nhận diện kẻ phạm tội thông qua tấm kính một chiều (cho phép người từ bên ngoài có thể nhìn được không gian bên trong, để quan sát trạng thái nghi phạm nhưng người từ bên trong không thể nhìn ra bên ngoài), song nạn nhân lại bị cảnh sát bắt phải đối mặt trực tiếp những kẻ đã tấn công tình dục họ. Trước đó, yêu cầu được thẩm vấn bởi nữ cảnh sát của nạn nhân cũng bị bác bỏ. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các em hầu hết đều là trẻ vị thành niên.
“Các cô đã hủy hoại danh tiếng của thành phố này” - một trong những nhân viên cảnh sát thuộc Sở cảnh sát thành phố Ulsan nói với các nạn nhân. Sau những buổi thẩm vấn như địa ngục ấy, các nạn nhân phải nhập viện để điều trị tâm lý.
Sự lỏng lẻo của hệ thống pháp luật và thế lực của gia đình các nam sinh càng khiến dư luận thêm phẫn nộ. Cuộc biểu tình dưới ánh nến với hơn 150 người tham gia được tổ chức tại quảng trường Gwanghwamun nhằm tạo áp lực lên chính phủ Hàn Quốc cũng như đốc thúc quá trình điều tranh diễn ra nhanh chóng, trả lại công bằng cho người bị hại.
Năm 2007, Tòa án tối cao quyết định kỷ luật những viên cảnh sát có liên quan đến quá trình điều tra vụ án với chi phí bồi thường tinh thần dành cho nạn nhân và gia đình họ là 50 triệu won (hơn 1 tỷ đồng).
Dựa vào thế lực của gia đình quyền thế, hầu hết các tên tội phạm đều thoát khỏi cảnh tù tội. Sau cùng, chỉ có 5 người bị kết án và được đưa đến trung tâm cải tạo trẻ vị thành niên. Được biết. vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình của một trong số 3 nạn nhân đã chấp nhận thỏa thuận từ phụ huynh của một nam sinh, cầu xin khoan hồng cho kẻ thủ ác.
Vụ án khép lại trong sự bức xúc của toàn thể người dân Hàn Quốc. Trong khi số phận của nạn nhân chưa rõ thế nào thì nhiều thông tin cho biết các nam sinh sau đó vẫn trở lại cuộc sống bình thường như thể chưa có chuyện gì xảy ra.
… đến những bộ phim lấy nước mắt khán giả
Tác phẩm "Han Gong Ju" (2013) và "Don’t cry mother" (2012) là 2 bộ phim được làm nên từ cảm hứng vụ án bi kịch này để cho khán giả có cái nhìn rõ nét hơn về thực tế của nạn bạo lực tình dục chốn học đường, rằng nạn nhân không chỉ đơn giản tổn thương về mặt thể xác, tinh thần mà nỗi đau ấy còn theo họ đến cuối cuộc đời.
"Han Gong Ju" kể về cuộc sống sau khi trải qua bi kịch của nữ sinh Han Gong Ju - 1 trong số 2 nạn nhân bị cưỡng bức tập thể. Chứng kiến bạn mình phải tự giải thoát bằng cái chết, Han Gong Ju buộc phải chuyển đến ngôi trường mới và làm lại từ đầu. Nhưng dù cố gắng trốn chạy đến đâu thì cái bóng quá khứ vẫn mãi ám ảnh cuộc đời cô bé. Cuối cùng, Han Gong Ju đã không thể vượt qua cái nhìn kỳ thị của mọi người xung quanh, cái xã hội mà chuẩn mực nơi đó không dành cho những người có vết nhơ quá khứ như mình, cô bé quyết định tự tử.
Cũng lấy cảm hứng từ vụ án trên nhưng "Don’t cry mother" khai thác một khía cạnh khác với "Han Gong Ju". Bộ phim là hành trình tìm lại công lý của người mẹ sau khi con gái bị cưỡng hiếp tập thể và rơi vào khủng hoàng trầm trọng. Gia đình nạn nhân liên tục đệ đơn kiện nhưng tòa vẫn kiên quyết xử trắng án với lý do những kẻ phạm tội đều ở tuổi vị thành niên. Cô bé hoảng loạn đã tự tử ngay ngày sinh nhật với lời trăn trối cuối cùng gây ám ảnh: “Đừng khóc mẹ ơi”. Đau lòng trước bi kịch của con gái, người mẹ quyết định đòi lại công bằng cho con gái dù cho phải đánh đổi cả tính mạng của mình.
"Han Gong Ju" và "Don’t cry mother" ngay khi vừa công chiếu đã nhận được nhiều sự chú ý của truyền thông lẫn công chúng. Có vẻ như người dân Hàn Quốc chưa bao giờ quên được vụ án nghiêm trọng này dẫu cho biết bao thời gian trôi qua.
Hai tác phẩm này không chỉ lấy nước mắt khán giả bằng tình tiết đáng thương của nhân vật chính mà còn mong muốn tẩy lùi tệ nạn lạm dụng tình dục mà nạn nhân hầu hết là những bé gái. Đồng thời, nỗ lực của gia đình nạn nhân cũng cần sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền và cơ quan chức năng - điều mà những nạn nhân trong quá khứ không may mắn có được.
Theo BK (Helino)