Halloween là một lễ hội truyền thống lớn được tổ chức vào ngày 31/10 hàng năm, trước ngày Lễ các Thánh của đạo Kitô giáo.
Ngày nay, lễ hội Halloween thường được tổ chức rộng rãi trên khắp thế giới, quy mô lớn hay nhỏ tùy theo mỗi quốc gia. Song giờ đây, các ngày lễ trong lễ hội Halloween không còn mang ý nghĩa tôn giáo mà mọi người đều coi đó là một lễ hội vui chơi.
Các biểu tượng đặc trưng cho lễ hội này là những trái bí ngô đèn lồng, hình ảnh phù thủy ma mị, trái táo độc, những con ma quỷ đáng sợ hay những con vật báo hiệu cho cái chết như cú mèo, dơi...Trong ngày Halloween, mọi người thường hóa trang thành những nhân vật ma quái, xuất hiện cùng nhau dưới ánh trăng, tham dự các bữa tiệc được trang trí rùng rợn.
Trick or Treat (Bị ghẹo hay cho kẹo) là một trò rất được yêu thích của trẻ em trong dịp Halloween, đặc biệt là tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu.
Trẻ em sẽ mặc những bộ đồ hóa trang ma quỷ, đi theo nhóm và cầm theo giỏ đựng kẹo, đèn lồng... Sau đó, lũ trẻ sẽ gõ cửa từng nhà hàng xóm trong khu phố, chờ đợi họ mở cửa rồi hét lên vui vẻ: "Trick or Treat".
"Trick" trong tiếng Anh nghĩa là đánh lừa, chỉ trò đùa nghịch ngợm trong ngày Halloween. "Treat" là tiếp đãi, đối xử tử tế, trong trường hợp này chỉ bánh kẹo. Câu nói này mang hàm ý: "Nếu không muốn bị chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi món gì đi". Thông thường, chủ nhà thường vui vẻ cho lũ trẻ rất nhiều kẹo, bánh trái để đi đến các nhà tiếp theo.
Vụ án kinh hoàng
Liên quan đến trò chơi này, vụ án bố đầu độc con trai trong đêm Halloween rúng động nước Mỹ vào năm 1974 khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng.
Ronald Clark O'Bryan, sinh năm 1944, là một bác sĩ nhãn khoa sống với người vợ Daynene tại Deer Park, Texas cùng hai đứa con là Timothy và Elizabeth. Ngày 31/10/1974, O'Bryan và một người hàng xóm đưa 4 đứa con của họ đi xin kẹo tại khu phố ở Pasadena, Texas.
Sau khi đến một nhà nhưng chủ nhà không đáp lại, những đứa trẻ mất kiên nhẫn và chạy đến nhà tiếp theo trong khi O'Bryan đi tụt lại phía sau. Anh ta sau đó bắt kịp nhóm và cầm theo 5 ống kẹo dạng bột có tên Pixy Stix. Cuối buổi tối, O'Bryan cho hai đứa trẻ hàng xóm hai ống kẹo và đưa hai ống cho hai con của mình. Ống kẹo thứ 5 được đưa cho một cậu bé mà anh ta quen ở nhà thờ, theo Herald-Journal.
Trước khi đi ngủ, Timothy xin phép bố được ăn một vài thanh kẹo mà cậu bé đã xin được. Cuối cùng, Timothy đã chọn thanh Stix mà cha cậu đưa cho. Timothy phàn nàn rằng kẹo có vị đắng, vì vậy, O'Bryan cho cậu bé uống nước ngọt. Timothy ngay lập tức bị đau bụng, nôn mửa và co giật. Cậu bé 8 tuổi chết trên đường đến bệnh viện, chưa đầy một giờ sau khi ăn kẹo.
Việc Timothy tử vong do ăn phải thanh kẹo Halloween tẩm độc đã dấy lên nỗi sợ hãi trong khu vực. Nhiều bậc phụ huynh tại Deer Park và khu vực xung quanh đã nộp kẹo mà con em mình xin được cho cảnh sát vì lo sợ nó có tẩm độc. Cảnh sát ban đầu không nghi ngờ O'Bryan một chút nào cho tới khi khám nghiệm tử thi Timothy cho thấy thanh kẹo Pixy Stix mà cậu ăn bị tẩm độc.
5 thanh kẹo Pixy Stix mà O'Bryan đưa cho lũ trẻ đã được thu hồi bởi chính quyền và rất may mắn, chúng vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi kiểm tra cả 5 thanh kẹo, cảnh sát phát hiện chúng đều bị trộn thêm chất độc. Các chuyên gia tử thi và chất độc nhận định chất độc trong thanh kẹo của Timothy có thể dùng để giết chết 2 người lớn, còn lượng chất độc trong những thanh kẹo khác đủ để khiến 3-4 người trưởng thành tử vong.
Giết con để lấy tiền bảo hiểm
Trong lời khai với cảnh sát, O'Bryan ban đầu nói rằng anh ta không thể nhớ nhà nào đã cho kẹo Pixy Stix. Cảnh sát nghi ngờ vì O'Bryan và hàng xóm chỉ đưa lũ trẻ đến vài căn nhà trên hai con đường do trời đổ mưa. Nghi ngờ của họ tăng lên sau khi phát hiện không nhà nào trong số đó cho kẹo Pixy Stix.
O'Bryan sau đó nói rằng khi anh ta đi tụt lại phía sau, chủ nhà ban đầu không đáp lại sau đó đã hé cửa và cho anh ta 5 ống kẹo Pixy Stix, tuy nhiên, lời khai của O'Bryan được chứng minh là sai sự thật vì chủ nhà Courtney Melvin có chứng cứ ngoại phạm rõ ràng. Melvin là kiểm soát viên không lưu tại sân bay và đến 23h mới về nhà, có gần 200 người xác nhận ông này có mặt ở chỗ làm.
Khi tiếp tục điều tra, cảnh sát phát hiện O'Bryan đang nợ 100.000 USD và từng bị nghi ăn trộm. O'Bryan còn mua bảo hiểm nhân thọ cho hai đứa con chỉ vài tháng trước khi Timothy chết.
Cảnh sát cũng phát hiện O'Bryan đã đến một cửa hàng hóa chất ở Houston để tìm mua xyanua ngay trước Halloween. Họ cho rằng O'Bryan đã đầu độc để giết con mình nhằm lấy tiền bảo hiểm. Họ tin rằng anh ta đưa kẹo độc cho cả những đứa trẻ khác nhằm che đậy tội ác.
Ronald Clark O'Bryan đã bị khởi tố vào ngày 5/11/1974. Trong một phiên tòa xét xử, một chuyên viên hóa học có quen biết với O'Bryan khai nhận rằng vào mùa hè năm 1973, O'Bryan đã liên lạc với mình để hỏi về chất độc và liều lượng bao nhiêu thì đủ chết người.
Một năm sau đó, sau nhiều phiên tòa xét xử, ngày 3/6/1975, O'Bryan bị kết án cho một tội danh giết người và 4 cáo buộc âm mưu giết người. Vụ án của O'Bryan thu hút sự quan tâm trên toàn nước Mỹ. Truyền thông gọi anh ta là "người cho kẹo"(the Candy man) hay "người giết Halloween".
Ngày 31/3/1984, O'Bryan bị thi hành án tử bằng cách tiêm thuốc độc. Trong lời nói cuối cùng, O'Bryan vẫn khẳng định mình vô tội.
Theo Bích Thảo (Nguoiduatin.vn)