Vừa hân hoan đón cùng lúc 2 đứa con sinh đôi chào đời, cặp vợ chồng chưa được tận hưởng niềm vui khôn xiết thì tai họa đã ập đến khiến cuộc đời họ thay đổi mãi mãi. Để cho đến tận bây giờ, khi đầu đã hai thứ tóc, họ vẫn không có được cho mình một câu trả lời thỏa đáng về vụ bắt cóc đầy ly kỳ và phải sống với nỗi mong mỏi được gặp lại cậu con trai yêu quý của mình.
Đó là câu chuyện về hoàn cảnh éo le của gia đình ông He Xiaolins. Sự việc xảy ra vào một đêm đầu năm 1993, một đêm kinh hoàng mà ông Xiaolins đã, đang và sẽ không thể nào quên trong suốt cuộc đời của mình.
Ông Xiaolins vốn là người quê ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, ông và vợ phải chuyển đến thị trấn Giang Cao, quận Bạch Vân, Quảng Châu, Quảng Đông (Trung Quốc) để làm ăn, sinh sống. Là lao động nghèo nên vợ chồng ông Xiaolins thuê một căn phòng nhỏ làm từ gạch bùn của một người dân địa phương. Cuộc sống nghèo nàn về vật chất nhưng mùa xuân năm 1993, vợ chồng ông Xiaolins đã nhận được "món quà" lớn lao đó là sự ra đời của 2 bé sinh đôi 1 trai (He Feijun hay còn gọi là Dabao), 1 gái (He Minjun) trông rất kháu khỉnh, bụ bẫm.
Thời điểm đó, gia đình nào có con sinh đôi là hiện tượng cực hiếm, huống hồ 2 đứa trẻ nhà ông Xiaolins lại trông vô cùng đáng yêu nên gia đình ông bỗng trở thành tâm điểm chú ý của người dân quanh vùng, bạn bè nghe tin đến tận nơi ngó mặt các cháu và chúc mừng cho vợ chồng Xiaolins. Khỏi phải nói, ông Xiaolins đã hạnh phúc tới nhường nào, ông còn cảm thấy mình là người cha hạnh phúc nhất trên thế giới.
Ông kể: "Tôi cứ lâng lâng với niềm vui ấy mà không thể ngờ rằng bi kịch đang ở ngay trước mắt mình".
Khi vợ chồng ông Xiaolins chưa kịp tận hưởng niềm hạnh phúc vô bờ thì vào ngày 19/2 năm đó, 2 đứa trẻ mới vừa tròn 100 ngày tuổi, ông Xiaolins bị đánh thức bởi tiếng khóc than của người vợ. Ông chếnh choáng đầu óc tỉnh dậy và không thể tin vào tai mình khi nghe vợ nói rằng: "Dabao đã biến mất rồi!"
Ông Xiaolins giật nảy người, tỉnh hẳn và nhìn sang bên cạnh thì thấy con gái nhỏ He Minjun vẫn đang nằm ngủ bên cạnh, ông sốc khi thấy bức tường cạnh giường ngủ bị khoét một lỗ. Ông Xiaolins biết rằng con trai mình không thể tự bò ra ngoài, cánh cửa chính vẫn khóa chặt và chỉ còn một kịch bản duy nhất là kẻ gian đã đột nhập vào nhà ông bằng cách khoét lỗ trên tường.
Nhưng mọi đồ đạc trong nhà vẫn nguyên vẹn nên đó không phải là kẻ trộm, rõ ràng mục tiêu hắn muốn nhắm đến là Dabao. Ông Xiaolins vội vàng nhảy ra khỏi giường, mở cửa lao ra ngoài để tìm con nhưng xung quanh bốn bề đều vắng lặng. Không có một dấu vết nào để lại, chứng tỏ kẻ bắt cóc đã lên phương án tỉ mỉ, cẩn thận.
Ông Xiaolins lập tức đi báo cảnh sát nhưng chẳng có một manh mối nào cả. Người cha ấy như phát điên khi mất con đột ngột, nhìn thấy ai bế đứa trẻ nào ông cũng lao đến nhìn thật kỹ để xem có phải con mình không. 3 năm sau đêm kinh hoàng đó, ông Xiaolins đưa vợ và con gái nhỏ về quê nhờ bạn bè, người thân chăm sóc còn mình thì quay trở lại Quảng Đông để vừa làm việc vừa tìm kiếm tung tích của con trai.
Ông Xiaolins cố lục lại trí nhớ và xâu chuỗi các chi tiết mới mong muốn tìm ra manh mối nào đó và ông phát hiện ra rằng kẻ đáng nghi nhất chính là anh bạn đồng nghiệp và ông chủ mà Xiaolins làm thuê.
Ông nói: "Khi ông bạn đồng nghiệp đó dẫn ông chủ tới nhà tôi chơi, ông ấy có nói đùa rằng anh sinh một lần được 2 đứa, cho tôi một đứa đi rồi tôi sẽ giúp anh trong công việc. Lúc đó, không ai nghĩ rằng đó là lời nói nghiêm túc. Thế nhưng, sau đó thời gian ngắn thì con trai tôi bị bắt cóc".
Ông Xiaolins cũng cho biết, vào buổi sáng sau đêm đó, ông và vợ ngủ dậy rất muộn mà đầu óc chóng mặt, không được tỉnh táo. Gia đình ông không khá giả gì nên loại trừ trường hợp kẻ trộm vào lấy đồ. Hơn nữa, cậu bé Daibao nằm ở phía trong, giữa mẹ và em gái, mà lại bị bắt đi, nên chắc chắn kẻ bắt cóc đã có ý định nhắm vào Daibao.
Ông Xiaolins cho biết: "Tôi đã từng tìm đến hỏi ông chủ và đồng nghiệp của mình nhưng họ đều lắc đầu nói không biết, cả cảnh sát cũng không thể tìm ra manh mối nào từ họ. Sau đó, vì bị cảnh sát hỏi thăm quá nhiều, họ đã chuyển đi và tôi không thể liên lạc được nữa". Ông Xiaolin cho biết ông vẫn nghi ngờ rằng hai người đàn ông đó có liên quan đến sự biến mất của con trai ông và cất giữ bí mật mà suốt 25 năm qua, ông phải nhọc công tìm lời giải.
Thời gian trôi đi, con người, cảnh vật ở thị trấn Giang Cao đã có nhiều thay đổi nhưng có một thứ duy nhất không thay đổi là nỗi lòng của một người cha luôn mong có ngày tìm được con trai. Suốt 25 năm, bất cứ đâu có thông báo về người mất tích là ông lại cố tìm hiểu xem có phải con mình.
Tại quê nhà của ông ở Tứ Xuyên, con gái của ông, He Minjun, đã trưởng thành và có một gia đình của riêng mình, nhưng ông vẫn luôn dặn con gái phải để mắt đến con mình mọi lúc mọi nơi để không lặp lại bi kịch giống như cha.
Đầu năm 2018, ông Xiaolins (nay đã 60 tuổi) cùng con gái tìm đến chương trình "Tìm kiếm giấc mơ" do tờ ExpressSeeking thực hiện với mong muốn điều kỳ diệu sẽ xảy ra.
Phát biểu trước ống kính máy quay, chị Minjun nghẹn ngào nói: "Để tìm con trai mình, bố tôi không quay về sống ở Tứ Xuyên mà ông ở lại Quảng Châu để mong ngày anh tôi quay lại. Anh trai! Gia đình chưa bao giờ từ bỏ hy vọng tìm thấy anh. Nếu anh nhìn thấy bố và em, hãy quay lại để bố mẹ được nhìn thấy anh nhé".
Ông Xiaolins nói: "Tôi hy vọng chương trình và tòa soạn báo giúp tôi tìm được con trai mình". Người đàn ông với đôi mắt đỏ hoe, nắm chặt tay cháu trai 5 tuổi của mình và nói: "25 năm trước, tôi đã để mất con trai mình. Giờ đây, tôi đã là ông ngoại, tôi không thể để bi kịch ấy xảy ra nữa". Khoảng thời gian dài đằng đẵng đi tìm con khiến ông Xiaolins sinh ra chứng sợ hãi sẽ mất thứ gì đó trong tay mình.
Theo L.T (Helino)