Nareerat Naovaratpong và chồng, anh Sahatorn, đến từ Bangkok, Thái Lan, quyết định đông lạnh não của con gái nhỏ sau khi bé qua đời vì ung thư não hồi năm 2015, ngay trước sinh nhật 3 tuổi. Hiện cặp vợ chồng hy vọng một ngày nào đó Einz sẽ sống lại, khi nền y học - khoa học phát triển trong tương lai.
Einz được chẩn đoán mắc ung thư chỉ vài tháng trước khi qua đời, làm dấy lên một sự quyết tâm lớn trong anh Sahatorn, mong con gái có thêm cơ hội sống.
Sau nhiều tháng nỗ lực tìm hiểu các phương thức cứu con, anh Sahatorn thấy hy vọng duy nhất chính là phương pháp Cryonics - trong đó toàn bộ cơ thể hoặc phần đầu của người đã khuất được đông lạnh bằng khí ni tơ lỏng - chờ cho tới khi khoa học tiên tiến sẽ giúp họ sống lại trong tương lai, hoặc chữa được căn bệnh hiểm nghèo mà họ mắc phải.
Cặp vợ chồng lựa chọn công ty "kéo dài sự sống" Alcor ở bang Arizona, Mỹ, để tiến hành quá trình đông lạnh này. Bé Einz cũng là người nhỏ tuổi nhất từng được bảo quản bằng công nghệ trên.
Trong bộ phim tài liệu Hope Frozen: A Quest To Live Twice vừa được chiếu trên Netflix, bố mẹ Einz tiết lộ câu chuyện đau lòng đằng sau quyết định có phần khác thường của họ.
Sahatorn và Nareerat chia sẻ họ quyết định sinh thêm con sau khi con trai đầu lòng Matrix bày tỏ mong muốn có em.
"Einz giúp chúng tôi trở thành một gia đình trọn vẹn. Mọi người đều mong chờ ngày con bé đến với thế giới", anh Sahatorn nói.
Hai năm đầu, Einz dường như rất khỏe mạnh, cho tới một ngày bé đột nhiên ngất lịm trên giường. Gia đình lúc này mới biết bé đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư não.
"Tôi ước mình có thể thế chỗ cho con, giúp con thoát khỏi đau đớn... Tôi từng nghĩ sẽ chẳng có điều gì tồi tệ có thể xảy ra với con bé bởi luôn có mẹ ở bên để bảo vệ", Nareerat xúc động kể.
Bé Einz trải qua 10 ca phẫu thuật, 12 lần điều trị hóa chất, 20 lần xạ trị, nhưng vẫn không thể chiến thắng bệnh tật.
Nhận thấy không có cơ hội chữa khỏi cho con, anh Sahatorn bắt đầu tìm hiểu phương pháp cryonics với hy vọng sẽ thuyết phục vợ rằng cách này có thể giúp con gái sống lại trong tương lai.
Thay vì lựa chọn hình thức đông lạnh toàn thân với giá 200.000 USD, vợ chồng anh Sahatorn quyết định chỉ đông lạnh phần đầu và não bộ của con gái, với giá 80.000 USD để giảm bớt chi phí.
"Đây là cách để chúng tôi giữ con bé lại bên mình", anh nói.
Ban đầu cả gia đình đều phản đối ý tưởng trên của Sahatorn, và anh đã phải mất nhiều tháng mới có thể thuyết phục họ.
Dù đã thống nhất với chồng, Nareerat cuối cùng vẫn nói: "Từ sâu bên trong trái tim, chúng tôi biết rằng con bé có thể sẽ không thể sống được nữa. Các bác sĩ cũng nói như thế".
Cặp vợ chồng bắt đầu quay lại những khoảnh khắc của con gái những ngày cuối đời, đồng thời sắp xếp để một nhóm nhân viên công ty Alcor bay từ Mỹ đến nhà họ ở Thái Lan, sẵn sàng có mặt khi Einz qua đời.
Bé Einz trút hơi thở cuối cùng vào ngày 8/1/2015 tại nhà, bên cạnh là những người thân yêu.
Để việc đông lạnh được thành công nhất, các chuyên gia cho biết tốt nhất là bắt đầu quá trình này trong vòng 60 giây ngay sau khi tim ngừng đập. Điều này đồng nghĩa với việc gia đình nhìn thấy thân nhiệt của bé Einz được hạ xuống ngay trước mắt mình, sau đó thi thể em được làm lạnh và chuyển tới Arizona.
"Ngay khi tim vừa ngừng đập, nếu có thể chúng tôi muốn bắt tay vào đông lạnh thi thể ngay trong 60 giây đầu tiên", chuyên gia cryonics Aaron Drake kể lại.
Chia sẻ về cảm xúc của mình khi nhìn thấy cả gia đình bé Einz gạt đau thương sang một bên để hợp tác với đội chuyên gia Alcor thực hiện quá trình đông lạnh, Drake nói: "Tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng nào như thế. Theo tôi, chỉ có tình yêu thương thực sự giúp họ vượt qua nỗi đau".
"Lúc ấy, tôi đau đớn không nói nên lời", Sahatorn nói.
"Tôi nói với con bé rằng hãy sống lại và làm con gái mẹ lần nữa nhé. Mẹ yêu con rất nhiều", Nareerat chia sẻ.
Sau khi thi thể bé Einz được chuyển đến Arizona, các chuyên gia Alcor phẫu thuật tách não em ra khỏi cơ thể và mang đi đông lạnh ở nhiệt độ âm 196 độ C, đặt nó bên trong một chiếc bình chân không chứa đầy khí ni tơ lỏng. Phần não sẽ tiếp tục được bảo quản tại đây chờ tới khi công nghệ phát triển. Các chuyên gia Alcor tin rằng một khi khoa học đã phát triển đến trình độ có thể đưa một người đã chết sống lại, việc tái tạo một cơ thể hoàn toàn mới giống hệt bằng cách sử dụng ADN không phải là điều khó khăn.
"Tôi chắc chắn rằng chúng ta đang tiến dần đến sự bất tử. Đến lúc đó Einz sẽ sống lại", anh Sahatorn nói trước ống kính.
Max More, CEO của Alcor, thừa nhận anh không rõ đến lúc nào thì một người đã chết có thể hồi sinh, đồng thời cho hay: "Chi tiết cụ thể của quá trình hồi sinh này vẫn là điều mà chúng tôi không thể biết rõ".
Gia đình anh Sahatorn sau đó cũng đã bay tới Mỹ, nơi não của con gái họ đang được bảo quản. Tại đây, họ được xem video quay lại toàn bộ quá trình đông lạnh, trước khi được dẫn tới trước chiếc bình chứa não bé Einz bên trong.
Quỳ trên sàn nhà, Nareerat Naovaratpong nén nước mắt vừa ôm chiếc váy của con gái áp lên ngực, vừa cầu nguyện để Einz sẽ sớm hồi sinh và sống cùng gia đình.
Về phần Matrix, cậu bé thấy được truyền cảm hứng từ câu chuyện của em gái và bày tỏ mong muốn theo đuổi khoa học, với hy vọng một ngày nào đó sẽ giúp em sống lại.
"Giúp em sống lại chắc chắn sẽ là thành công to lớn nhất trong cuộc đời cháu", Matrix nói.
Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Trong khi não của một con thỏ từng được hồi sinh thành công sau khi đông lạnh, các chuyên gia hiện chưa tìm ra cách để duy trì các ký ức và chức năng hoạt động bình thường của não bộ.
"Chúng tôi sẽ phải chờ cho tới khi khoa học tiến bộ để kết nối mọi thứ lại với nhau", anh Sahatorn nói.
Cặp vợ chồng cũng đã sinh thêm một cô con gái khác, đặt tên là Einz để tưởng nhớ người chị quá cố.
Công ty Alcor được thành lập bởi Linda và Fred Chamberlain vào năm 1972. Ông Fred đã qua đời và hiện cũng được bảo quản bên trong một trong những chiếc thùng chứa ni tơ lỏng để chờ ngày hồi sinh.
Theo Hướng Dương (Ngoisao.net)