Theo tờ BBC, hầu như con phố nào ở Mandalay (thành phố lớn thứ 2 ở Myanmar), đặc biệt tại khu vực phía bắc và trung tâm thành phố, cũng ghi nhận ít nhất 1 tòa nhà bị sập hoàn toàn, chỉ còn lại đống đổ nát. Nhiều tuyến phố có hơn một công trình bị đổ cùng lúc.
Phần lớn các tòa nhà còn lại đều xuất hiện vết nứt lớn chạy dọc tường, không còn đảm bảo an toàn để sinh hoạt hoặc làm việc. Tại bệnh viện chính, bệnh nhân được điều trị ngoài trời do cơ sở vật chất bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh thảm họa để lại hậu quả nghiêm trọng, nhiều khu vực chịu ảnh hưởng vẫn đang chờ được tiếp cận và ứng cứu.
“Tôi vẫn hy vọng con còn sống, dù chỉ là một phần trăm”, Nan Sin Hein (41 tuổi) nói khi đứng bên kia đường, đối diện tòa nhà năm tầng đã đổ sập. Bà đã túc trực tại đây suốt 5 ngày.
Con trai bà, Sai Han Pha (21 tuổi) là công nhân xây dựng. Thời điểm xảy ra động đất, anh đang làm việc bên trong tòa nhà, một khách sạn cũ đang trong quá trình cải tạo thành văn phòng. “Nếu hôm nay họ cứu được nó, vẫn còn cơ hội sống sót”, bà nói.
Khi trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra, phần chân tòa nhà bị sụt xuống lòng đất, khiến phần trên nghiêng hẳn ra phía đường, trông như có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Sai Han Pha cùng bốn công nhân khác bị mắc kẹt bên trong.
Sự chờ đợi đầy tuyệt vọng
Cho đến nay, các nỗ lực cứu hộ chủ yếu tập trung vào những địa điểm có nguy cơ nhiều người bị mắc kẹt, như khu chung cư cao tầng Sky Villa - nơi từng có hàng trăm người sinh sống, và học viện Phật giáo U Hla Thein - nơi hàng chục nhà sư đang tham gia kỳ thi vào thời điểm động đất xảy ra.
Ông Neeraj Singh, trưởng nhóm phản ứng thảm họa Ấn Độ đang làm nhiệm vụ tại học viện này, cho biết tòa nhà bị sập theo kiểu “bánh kếp”, các tầng sụp chồng lên nhau. “Đây là dạng sụp đổ khó xử lý nhất và khả năng tìm thấy người sống sót là rất thấp. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng và đang nỗ lực hết sức”.
Dưới cái nắng gay gắt gần 40 độ C, lực lượng cứu hộ dùng khoan kim loại và máy cắt để phá từng mảng bê tông lớn thành những phần nhỏ hơn. Công việc diễn ra chậm chạp và vô cùng vất vả. Mỗi khi cần cẩu nhấc một tấm bê tông lên, mùi thi thể phân hủy - vốn đã nồng nặc - lại càng trở nên ám ảnh.
Các nhân viên cứu hộ phát hiện 4 đến 5 thi thể, nhưng phải mất vài giờ mới đưa được nạn nhân đầu tiên ra ngoài.
Bên trong khuôn viên học viện, dưới một mái lều dựng tạm, thân nhân của các học sinh ngồi trên những tấm chiếu trải dưới đất. Khuôn mặt họ lộ rõ vẻ mệt mỏi và tuyệt vọng. Mỗi khi nghe tin có thi thể được tìm thấy, họ lập tức ùa ra, vây quanh chiếc xe cứu thương chở thi thể đi.
Một số người nhà vây quanh một nhân viên cứu hộ đang cầm điện thoại, cho họ xem ảnh thi thể vừa được tìm thấy. Những khoảnh khắc nặng nề trôi qua khi các gia đình cố gắng nhìn kỹ để xác định xem người đã khuất có phải là người thân của mình hay không.
Nhưng thi thể biến dạng quá nặng, việc nhận dạng tại chỗ là bất khả thi. Thi thể sau đó được đưa về nhà xác, nơi các xét nghiệm pháp y sẽ được tiến hành để xác minh danh tính.
Giữa đám thân nhân là cha của U Thuzana, 29 tuổi. Ông không còn hy vọng con trai còn sống. “Biết con mình ra đi trong hoàn cảnh như vậy… tôi không thể nguôi ngoai, nỗi đau này quá lớn”, U Hla Aung nói, khuôn mặt ông nhăn lại rồi bật khóc.
Gần khu vực chùa, một nghi lễ tang theo nghi thức Phật giáo được tổ chức ngay trên vỉa hè, trước một ngôi nhà đổ nát. Đó từng là nơi sinh sống của ông U Hla Aung Khaing và vợ là bà Daw Mamarhtay, cả hai đều ở độ tuổi ngoài 60.
“Tôi sống cùng bố mẹ, nhưng hôm đó ra ngoài nên mới thoát nạn. Chỉ trong một khoảnh khắc, cả hai đã ra đi”, người con trai nghẹn ngào kể.
Thi thể của hai vợ chồng không được đưa ra ngoài bởi lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, mà do người dân địa phương dùng những dụng cụ thô sơ tự xoay xở. Phải mất hai ngày mới đưa được họ ra khỏi đống đổ nát, trong tư thế vẫn ôm chặt lấy nhau.
Chính quyền quân sự Myanmar cho biết hiện đã có 2.886 người thiệt mạng. Tuy nhiên, còn rất nhiều khu vực sập đổ mà lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận, khiến con số này khó có thể phản ánh đúng thực tế. Có thể, thế giới sẽ không bao giờ biết được con số thương vong thực sự của trận động đất.
Người sống sót vật lộn giữa thiếu thốn và đau thương
Các công viên và khoảng đất trống ở Mandalay đã trở thành nơi dựng trại tạm, bao gồm cả khu vực ven hào bao quanh Cung điện Mandalay. Khắp thành phố, nhiều gia đình trải chiếu, đệm ngay trước cửa nhà vào lúc chiều muộn, chọn cách ngủ ngoài trời.
Mandalay đang sống trong nỗi sợ hãi. Gần như mỗi đêm kể từ thứ Sáu (28/3) đều xảy ra dư chấn lớn. Hàng chục nghìn người buộc phải ngủ ngoài trời vì họ không còn nhà để quay về.
“Tôi chẳng biết nghĩ gì nữa. Tim tôi vẫn run lên mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc động đất xảy ra. Chúng tôi chạy thoát được, nhưng nhà tôi sập rồi. Giờ tôi sống dưới gốc cây”, bà Daw Khin Saw Myint (72 tuổi) nói khi đang xếp hàng lấy nước, bên cạnh là cháu gái nhỏ. Bà làm nghề giặt thuê, con trai thì bị tật không thể lao động.
“Giờ tôi biết sống ở đâu? Tôi khổ quá. Tôi ở ngay cạnh bãi rác. Có người cho ít gạo với mấy bộ quần áo. Chúng tôi chạy ra ngoài chỉ với chừng này trên người. Không ai đến cứu chúng tôi cả. Xin hãy giúp chúng tôi”, bà nói, nước mắt lăn dài trên má.
Một cụ bà khác đứng gần đó lên tiếng, mắt rơm rớm: “Hôm nay chưa ai phát đồ ăn. Chúng tôi vẫn chưa được ăn gì”.
Phần lớn các phương tiện mà tờ BBC ghi nhận đang phân phát hàng cứu trợ chỉ là những chiếc xe tải nhỏ, với lượng hàng hóa hạn chế, chủ yếu là đóng góp từ cá nhân hoặc các tổ chức địa phương quy mô nhỏ. Nguồn lực đó hoàn toàn không đủ so với số người cần được hỗ trợ, dẫn đến cảnh chen lấn để giành lấy bất cứ thứ gì còn lại.
Một phần của bệnh viện trung tâm Mandalay cũng đã bị hư hại. Trong điều kiện vốn đã thiếu thốn, hàng dài giường bệnh được kê tạm trong khuôn viên bệnh viện để phục vụ điều trị.
Shwe Gy Thun Phyo (14 tuổi) bị chấn thương não, đôi mắt đỏ ngầu. Em còn tỉnh nhưng không phản ứng. Người cha cố gắng làm mọi cách để con được nằm thoải mái hơn.
Có rất ít bác sĩ và y tá tại đây để đáp ứng nhu cầu điều trị, khiến người thân phải thay nhau đảm nhận những công việc vốn là của nhân viên y tế.
Zar Zar bị chấn thương nghiêm trọng ở vùng bụng, khiến bụng phình to. Con gái bà ngồi phía sau, đỡ lưng và quạt cho mẹ để xoa dịu phần nào cái nóng ngột ngạt.
Khi cơ hội tìm thấy người sống sót sau trận động đất ngày càng thu hẹp, số người được đưa vào bệnh viện giờ chủ yếu là thi thể.
Nan Sin Hein, người vẫn đang chờ đợi bên ngoài tòa nhà sập nơi con trai bà bị mắc kẹt, ban đầu tỏ ra bình tĩnh. Nhưng giờ đây, bà dường như đang chuẩn bị tinh thần cho điều mà ai cũng lo sợ.
“Tôi đau lòng lắm. Con tôi thương mẹ và các em gái. Nó đã cố gắng làm mọi thứ để nuôi chúng tôi. Tôi chỉ mong được nhìn thấy mặt con, dù là khi nó đã mất. Tôi muốn thấy thi thể nó. Tôi muốn họ làm tất cả những gì có thể để đưa con tôi ra ngoài”.
Theo Phong Lam (Thanh Niên Việt)