Việt Nam sẽ sở hữu tới 16 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya?

13/06/2015 10:06:21

Theo kế hoạch, Hải quân Việt Nam sẽ đóng tổng cộng 12 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya, tuy nhiên, rất có thể con số này sẽ tăng lên thành 16 chiếc.

Theo kế hoạch, Hải quân Việt Nam sẽ đóng tổng cộng 12 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya, tuy nhiên, rất có thể con số này sẽ tăng lên thành 16 chiếc.
Tàu tên lửa Molniya - "tay dao, tay thớt" trên biển!
 
Khi Dự án BPS-500 - lớp tàu dù có hỏa lực khá mạnh cộng thêm khả năng "tàng hình" nhất định, nhưng không được đóng tiếp do bị đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu, Molniya (thuộc Dự án 1241.8) đã được Hải quân Việt Nam lựa chọn để thay thế.
 
Molniya được đánh giá lớp tàu tên lửa tấn công nhanh tiên tiến và uy lực nhất thế giới, nó có thể hoạt động độc lập hoặc theo biên đội nhằm tiêu diệt các nhóm tàu chiến, tàu vận tải cũng như các tàu đổ bộ của địch trên vùng biển mở.
 
Dù có lượng giãn nước nhỏ nhưng số lượng và chất lượng vũ khí trang bị trên tàu đều thuộc hàng "khủng", phù hợp với nghệ thuật tác chiến "lấy ít, địch nhiều" của Hải quân Việt Nam.
 
Ưu thế vượt trội của Molniya thể hiện ở độ tin cậy, tốc độ cực cao, linh hoạt kết hợp với vũ khí mạnh, số lượng lớn, biến nó thành mối đe dọa nguy hiểm đối với bất kỳ lực lượng hải quân nào. Chính vì vậy nó được coi là "tay dao, tay thớt" trên biển của Hải quân Việt Nam.
 
Khi có xung đột trên biển, các tàu tên lửa Molniya sẽ đóng vai trò là lực lượng chủ lực, sẵn sàng "tả xung, hữu đột", đánh bại mọi thế lực đe dọa tới chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
 
Với 16 tên lửa diệt hạm Kh-35 có khả năng tàng hình, bay siêu thấp, mỗi tàu hoặc biên đội tàu Molniya có thể nhanh chóng tiếp cận, tiến công tiêu diệt một nhóm tàu lớn, kể cả các tàu có choán nước tới 5.000 tấn của đối phương, rồi thoát ly bằng tốc độ cực cao.
 

Tàu Molniya có thể mang tới 16 đạn tên lửa Kh-35E tầm bắn 130 km, đủ sức tiêu diệt cả nhóm tàu lớn của đối phương

 
Nhờ thiết kế để hoạt động trên vùng biển mở, xa bờ, Molniya đặc biệt phù hợp với vùng biển nhiệt đới Việt Nam vốn có thời tiết hết sức phức tạp, nó có thể sử dụng các loại vũ khí trong điều kiện biển động cấp 4 mà không bị giới hạn bởi tốc độ tối đa.
 
Việc đóng mới thành công nhiều tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya trong một thời gian ngắn đã đánh dấu bước phát triển quan trọng đối với nền công nghiệp quốc phòng nói chung và lĩnh vực đóng tàu quân sự của Việt Nam nói riêng.
 
Cuối năm 2014, trong chuyến thị sát và kiểm tra tiến độ đóng tàu Molniya tại Tổng công ty Ba Son, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh:
 
THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG
 
Chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng là nỗ lực thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, đặc biệt là hải quân và không quân. Muốn giữ gìn hòa bình, ổn định, chúng ta phải mạnh lên, cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, trong đó phải thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, từng bước làm chủ kỹ công nghệ, kỹ thuật quân sự hiện đại.
16 tàu Molniya - Tại sao không?
 
Theo kế hoạch, Hải quân Việt Nam sẽ sở hữu 12 tàu tên lửa Molniya, trong đó có 10 chiếc đóng trong nước chia làm 2 giai đoạn: đầu tiên là 6 tàu theo cấu hình cơ bản, 4 tàu của giai đoạn 2 sẽ có cấu hình vũ khí trang bị hiện đại hơn.
 
Tổng công ty Ba Son đã nhanh chóng làm chủ công nghệ đóng "tàu M" dưới sự trợ giúp và giám sát chặt chẽ của chuyên gia Nga. Ngoài 4 tàu đã bàn giao cho Quân chủng Hải quân, 2 tàu M5 và M6 cũng vừa được nghiệm thu chuyển bước công nghệ.
 
Dự kiến Quý II/2016, Tổng công ty Ba Son sẽ bàn giao 2 tàu M nói trên, sau đó triển khai đóng tiếp 4 tàu M nâng cấp theo kế hoạch.
 
Một điều đáng lưu ý là hiện nay, trong biên chế Hải quân Việt Nam còn có 4 tàu Tarantul (Dự án 1241.RE) tiếp nhận trong nửa cuối những năm 1990. Các tàu này tuy không hẳn đã cũ nhưng đã bộc lộ một số điểm yếu chí tử. Do vậy chúng cần sớm được nâng cấp.
 
Thứ nhất, gần đây Hải quân các nước trong khu vực đã có những bước tiến lớn với việc đưa vào biên chế nhiều lớp tàu mặt nước hiện đại trang tên lửa diệt hạm có tầm bắn lớn, đã khiến các tàu Tarantul Việt Nam trở nên lạc hậu một cách tự nhiên.
 
Điểm yếu nhất của các tàu Tarantul chính là tên lửa P-15 Termit loại cũ chỉ có tầm bắn 80 km nên nếu đối mặt với các tàu tên lửa hiện đại, chúng sẽ gặp nhiều nguy hiểm, không thể phát huy hết ưu thế về tốc độ, sự ổn định vốn có.
 
Chính vì vậy, nhu cầu nâng cấp 4 tàu này là tất yếu. Trọng tâm là nâng cấp vũ khí và hệ thống điều khiển hỏa lực để tạo ra sức mạnh mới và kéo dài niên hạn phục vụ thêm vài chục năm nữa.
 
Thứ hai, như đã biết, Tarantul (Dự án 1241RE) chính là tiền thân của lớp tàu Molniya mà Việt Nam đang đóng hàng loạt. Giữa chúng có khá nhiều điểm tương đồng nên việc nâng cấp lên chuẩn Molniya với tên lửa Kh-35 Uran-E là hoàn toàn khả thi.
 
Trong bối cảnh "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", khi Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ đóng tàu M đồng thời tự chủ một phần trong việc sản xuất tên lửa đối hạm Kh-35E thì việc nâng cấp như vậy càng có ý nghĩa hơn, "một công, đôi ba việc".
 

Tàu Tarantul cũ (phía trên), sau nâng cấp sẽ có cấu hình vũ khí, trang bị giống tàu Molniya (phía dưới)

 
Thời gian nâng cấp chắc chắn sẽ không dài bởi những công nhân lành nghề và kỹ sư trình độ cao của Ba Son đã quá quen thuộc với các tàu này nên công việc có thể triển khai ngay ở trong nước, nhanh chóng đưa các tàu trở lại trực chiến.
 
Bên cạnh đó, hệ thống mô phỏng huấn luyện của lớp tàu M sẽ được tận dụng tối đa để đảm bảo đào tạo nhanh chóng, dễ dàng hơn các kíp thủy thủ cho cả tàu M hiện đại lẫn tàu Tarantul qua nâng cấp.
 
Thứ ba, các tàu sau nâng cấp đều sử dụng chung cơ sở hạ tầng, vũ khí, trang bị sẽ giúp tiết giảm được nhiều chi phí vận hành, phù hợp với chủ trương của Bộ Quốc phòng giảm mạnh số chủng loại để tập trung vào đồng bộ, bảo đảm khai thác tốt nhất các vũ khí, trang bị.
 
Bên cạnh đó, hiện nay tàu BPS-500 duy nhất cũng đang được nâng cấp tại Tổng công ty Ba Son, hy vọng qua đó có thể rút ra được ít nhiều kinh nghiệm cho quá trình nâng cấp các tàu Molniya sau này.
 
Nếu 4 chiếc Tarantul được nâng cấp theo chuẩn Molniya thì số lượng tàu loại này mà Việt Nam sở hữu sẽ không phải chỉ là 12 mà phải là 16 chiếc. Khi "sói đã thành bầy" đồng nghĩa với việc sức mạnh Hải quân Việt Nam được nâng lên đáng kể.
 
Theo Bình Nguyên (Dailo.vn)

Nổi bật