Việt Nam sẽ nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1?

10/06/2015 09:09:37

Tròn 10 năm kể từ khi Việt Nam tiếp nhận các tổ hợp tên lửa S-300PMU1, đã đến lúc phải kiểm tra tổng thể, đồng thời mở ra cơ hội nâng cấp lên chuẩn hiện đại hơn.

Tròn 10 năm kể từ khi Việt Nam tiếp nhận các tổ hợp tên lửa S-300PMU1, đã đến lúc phải kiểm tra tổng thể, đồng thời mở ra cơ hội nâng cấp lên chuẩn hiện đại hơn.
S-300PMU1 - Lá chắn phòng thủ tên lửa siêu hạng
 
Cuối năm 2005, Quân chủng Phòng không - Không quân đã thành lập 2 đơn vị tên lửa với phiên hiệu là Đoàn 64 và Đoàn 93 được trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 hết sức hiện đại. Đây được ví như 2 lá chắn thép phòng thủ tên lửa của Việt Nam.
 
S-300PMU1 được thiết kế cho nhiệm vụ phòng chống các cuộc tiến công đường không ồ ạt ở mọi độ cao và tốc độ chiến đấu, cũng như hoạt động chế áp điện tử mạnh của các loại phương tiện chiến đấu đường không hiện tại và thế hệ mới của đối phương.
 
Chúng có khả năng tiêu diệt các mục tiêu như máy bay chiến đấu, kể cả máy bay tàng hình, vũ khí tấn công tầng thấp, tên lửa hành trình chiến lược, các loại tên lửa đường đạn chiến thuật, chiến thuật - chiến dịch hay tên lửa đường đạn hoạt động trong tầng khí quyển.
 
So với các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất của Mỹ và phương Tây hiện nay như Patriot PAC-3 hay SAM-P/T, S-300PMU1 của Việt Nam được cho là có tính năng tương đương, thậm chí có một số điểm vượt trội hơn.
 
Cuối năm 2013, các Đoàn tên lửa được tổ chức lại và nâng cấp lên thành Trung đoàn tên lửa 64 và Trung đoàn tên lửa 93 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của lực lượng phòng không trong giai đoạn mới.
 
Theo đó, ngoài các tổ hợp S-300PMU1 là nòng cốt, trong đội hình các đơn vị mới còn được biên chế các tiểu đoàn pháo phòng không tự hành ZSU-23-4M hoặc còn có thểm tiểu đoàn tên lửa phòng không tầm gần Strela-10M (Trung đoàn 64).
 
Đây là những đơn vị "cận vệ", vừa có chức năng bảo vệ S-300 trước các loại tên lửa hành trình/diệt radar của địch đánh vào trận địa, vừa giúp giảm tải cho S-300, để đơn vị nòng cốt dành đạn cho những mục tiêu chiến lược như máy bay tàng hình, tên lửa đường đạn,...
 

Radar cảnh giới nhìn vòng mọi độ cao 96L6E của tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 Việt Nam cũng đang được dùng cho tổ hợp S-400 Triumf mới nhất của Nga

 
Mở ra cơ hội nâng cấp lên chuẩn hiện đại hơn?
 
Như vậy đã tròn đúng 10 năm kể từ khi Việt Nam tiếp nhận các tổ hợp tên lửa hiện đại S-300PMU1, đến nay, các Trung đoàn 64 và 93 đều làm chủ khí tài hiện đại, luôn sẵn sàng chiến đấu, đánh bại mọi cuộc tập kích từ trên không của đối phương.
 
Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, đã đến lúc phải kiểm tra tổng thể toàn bộ hệ thống, đặc biệt là ưu tiên kiểm tra đạn tên lửa để đảm bảo hệ số kỹ thuật cao nhất cho nhiệm vụ chiến đấu. Đồng thời mở ra cơ hội nâng cấp đối với các tổ hợp S-300PMU1.
 
Bởi theo thiết kế, đạn tên lửa 48N6E được lắp trong thùng kín là ống phóng kiêm ống bảo quản, có thời gian khai thác sử dụng tới 10 năm mà không cần bảo dưỡng. Đến nay, việc kiểm tra và tăng hạn sử dụng đạn là yêu cầu bắt buộc, giúp tăng niên hạn thêm 10 năm nữa.
 
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, các tiến bộ khoa học công nghệ cũng đã đưa những phương tiện tiến công đường không có bước phát triển mới, do vậy S-300PMU1 của Việt Nam cũng nên có những nâng cấp, cải tiến để duy trì sức mạnh phòng thủ.
 
Có khá nhiều lựa chọn về mức độ nâng cấp đối với S-300PMU1, trong đó có gói nâng cấp toàn diện lên chuẩn S-300PMU2 Favorit.
 
Hệ thống Favorit có thể cùng lúc chỉ huy tới 6 tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU2 hoặc S-300PMU1 nâng cấp. Điều này đồng nghĩa với việc phải mua thêm các tổ hợp tên lửa S-300PMU1 và/hoặc S-300PMU2 để phát huy tối đa sức mạnh.
 
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế có hạn, việc nâng cấp toàn diện và mua thêm nhiều tổ hợp tên lửa mới có giá hàng trăm triệu USD/tổ hợp là không thể.
 
Phù hợp nhất với Việt Nam hiện nay là chỉ cần mua thêm một số loại đạn mới đồng thời nâng cấp phần cứng và phần mềm của radar chiếu xạ 30N6E Flap Lid và xe chỉ huy/điều khiển để đồng bộ và dẫn bắn các loại đạn này. Điều này hoàn toàn khả thi bởi lẽ:
 
Thứ nhất, theo một số nguồn tin, S-300PMU1 có thể tích hợp và dẫn bắn các loại tên lửa thế hệ mới như 9M96E và 9M96E2 vốn nhỏ gọn hơn nhưng tính năng vượt trội so với các thế hệ tên lửa cũ nhờ dùng đầu tự dẫn radar chủ động tiên tiến.
 
Nếu thực sự S-300PMU1 có thể tích hợp được loại đạn mới vốn được sử dụng trên các tổ hợp S-350 Vityaz và S-400 Triumf mới nhất của Nga, trong đó đạn 9M96E có tầm bắn 40 km và 9M96E2 có tầm bắn 120 km thì quả là tin vui.
 
Vì nếu thêm đạn mới, S-300PMU1 như hổ thêm cánh, bởi các loại đạn này vừa có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, vừa có khả năng phòng thủ tầm gần.
 
Do đạn mới nhỏ gọn nên mỗi xe mang bệ phóng tự hành 5P85SE của S-300PMU1 thay vì chỉ mang 4 đạn 48N6, thì còn có thể chọn cấu hình mang 16 đạn nhỏ (9M96E/E2) hoặc 3 đạn 48N6 + 4 đạn nhỏ hoặc 2 đạn 48N6 + 8 đạn nhỏ hoặc 1 đạn 48N6 + 12 đạn nhỏ.
 

Phương án mang 3 đạn to 48N6 kết hợp 4 đạn nhỏ (9M96E/9M96E2) trên xe bệ phóng tự hành 5P85SE của tổ hợp tên lửa S-300

 
Nhờ vậy, uy lực của S-300PMU1 được nâng lên gấp bội, nhất là ở khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo có tốc độ tới 4.800-5.000 m/s, gấp gần 2 lần so với đạn 48N6 hiện tại, đồng thời cho phép chỉ huy có nhiều phương án sử dụng đạn hợp lý hơn.
 
Ngoài ra, S-300PMU1 của Việt Nam hoàn toàn có thể được trang bị thêm đạn tên lửa 48N6E2 tầm bắn 195 km so với 150 km của đạn 48N6E hiện tại.
 
Thứ hai, radar cảnh giới nhìn vòng mọi độ cao 96L6E của S-300PMU1 chính là radar nhìn vòng tiêu chuẩn của tổ hợp tên lửa S-400 Triumf mới nhất của Nga vẫn đảm bảo trinh sát phát hiện mọi loại mục tiêu bay hiện tại và tương lai từ cự ly rất xa.
 
Bên cạnh đó, mạng radar tình báo Việt Nam đủ sức phát hiện sớm, truyền tham số trong thời gian thực tới toàn bộ các hệ thống tên lửa phòng không về tọa độ mục tiêu, kể cả máy bay tàng hình và mục tiêu bay thấp, bám địa hình để chuyển cấp, kịp thời tiêu diệt.
 
Do đó, không nhất thiết phải bổ sung thêm radar bắt thấp 76N6E hay đài nhìn cảnh giới nhìn vòng 64N6E bởi radar của S-300PMU1 hiện tại vẫn đủ sức đảm bảo chiến đấu trong mọi tình huống, có thể giúp tiết kiệm hàng chục triệu USD.
 
Thứ ba, việc nâng cấp vừa phải như vậy không cần thiết phải chuyển khí tài sang Nga mà có thể thực hiện ngay tại Việt Nam dưới sự trợ giúp của chuyên gia để tiết kiệm chi phí, đồng thời nhanh chóng đưa các tổ hợp S-300PMU1 sau nâng cấp trở lại trực chiến.
 
Như vậy, với lựa chọn này, vừa đảm bảo nâng cao sức chiến đấu của các tổ hợp tên lửa S-300PMU1, vừa tiết kiệm được một lượng ngân sách không lồ để ưu tiên cho việc mua sắm các loại tên lửa phòng không tầm trung thế hệ mới thay thế SAM-2/3 đang dần lạc hậu.
 
Theo Bình Nguyên (Dailo.vn)

Nổi bật