Máy bay huấn luyện Yak-130 với radar Osa và tên lửa R-73 sẽ hoàn toàn đủ sức đảm nhiệm vai trò của một chiếc tiêm kích hạng nhẹ.
MiG-21 và khoảng trống mênh mông để lại
Như đã từng đề cập, các máy bay tiêm kích hạng nhẹ MiG-21 của Việt Nam hiện đã phải ngừng hoạt động do hết hạn bay cũng như quá lạc hậu, không thể đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của tác chiến phòng không hiện đại.
Trước mắt, sự rút lui của MiG-21 đã để lại khoảng trống mênh mông vì số lượng Su-27/30 còn khá ít ỏi.
Việc bắt những chiếc cường kích cánh cụp cánh xòe Su-22 không có radar cũng như tính năng thao diễn rất kém phải tạm thời gánh vác vai trò của MiG-21 chỉ là giải pháp tình thế.
|
MiG-21 - "Cánh én bạc" đã mỏi
|
Dĩ nhiên việc mua mới một loại tiêm kích nhẹ khác để thay thế MiG-21 là điều tất yếu.
Tuy nhiên tìm kiếm một chiếc tiêm kích hạng nhẹ phù hợp trong thời điểm hiện nay là quá khó, đặc biệt khi các thế hệ MiG đời mới đều là máy bay chiến đấu hạng trung, giá thành khá cao và vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm.
Trường hợp Việt Nam tiếp tục mua tiêm kích hạng nặng dòng Su thì kinh phí duy trì hoạt động là điều nan giải.
Mới đây, Reuters có đưa tin, Việt Nam bắt đầu tiến hành một số cuộc đàm phán với đối tác phương Tây để mua máy bay chiến đấu hạng nhẹ mới. Nhưng dự kiến trong tương lai gần sẽ chưa có giao dịch nào diễn ra.
Những vướng mắc, ngoài việc liên quan đến lệnh cấm vận vũ khí chưa được dỡ bỏ hoàn toàn thì nguyên nhân khác cũng cực kỳ quan trọng là giá thành tiêm kích nhẹ của phương Tây quá cao, khó có thể mua sắm với số lượng lớn.
Vậy trong khi chờ đợi xuất hiện ứng viên phù hợp nhất thì liệu Việt Nam có nên sử dụng một giải pháp tình thế?
|
Máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130 |
Người hùng bất đắc dĩ - Yak-130?
Giải pháp tình thế có thể được tính tới lúc này là tạm thời giao vai trò của MiG-21 cho Yak-130.
Đây là một chiếc máy bay rất linh hoạt, có thể chịu gia tốc trọng trường +8G - -3G và có khả năng thực hiện những động tác thao diễn đặc biệt nhằm huấn luyện phi công đối với máy bay chiến đấu hiện đại hoặc sẽ xuất hiện trong tương lai.
Yak-130 có buồng lái kiểu nhà kính với hệ thống điều khiển fly-by-wire tiên tiến gồm 3 màn hình hiển thị đa chức năng. Phi công phía trước còn có thể sử dụng hệ thống hiển thị mục tiêu trên mũ bay để tăng khả năng phản ứng.
Tổng trọng tải vũ khí mà Yak-130 mang được là 3.000 kg, phân bổ trên 8 giá treo ở thân và cánh.
Đặc biệt, khoang mũi của Yak-130 hoàn toàn phù hợp để lắp đặt radar Osa được phát triển bởi NIIP Zhukovsky.
Radar này có khả năng theo dõi 8 mục tiêu, đồng thời tấn công 4 mục tiêu ở trên không hoặc 2 mục tiêu dưới đất cùng lúc. Phạm vi dò tìm mục tiêu với diện tích phản xạ radar 5 m2 là 85 km, tự động khóa mục tiêu từ cự ly 65 km.
|
Yak-130 và những vũ khí có thể sử dụng |
Có thể thấy Yak-130 vượt trội hoàn toàn MiG-21, Su-22 ở khả năng thao diễn quần vòng trong không gian hẹp, cũng như tải trọng và các loại vũ khí không chiến tầm xa. Với radar Osa cùng tên lửa R-73, Yak-130 sẽ phần nào có thể tác chiến độc lập.
Tuy nhiên với đặc trưng của máy bay huấn luyện, Yak-130 có tốc độ leo cao rất kém, cửa hút gió cũng đặc trưng cho việc hoạt động ở tốc độ cận âm.
Do vậy, nó sẽ cực kỳ bất lợi nếu gặp phải một chiếc tiêm kích siêu âm nhanh nhẹn sử dụng chiến thuật "kéo cao - bổ nhào", trong trường hợp này khả năng chiến thắng của Yak-130 gần như là không có.
Nhưng xét về tổng thể, Yak-130 vẫn "ăn đứt" Su-22 trong vai trò tiêm kích đánh chặn tầm ngắn, thêm vào đó là giá thành rất rẻ, chỉ vào khoảng 15 triệu USD/chiếc, khiến cho nó tỏ ra phù hợp hơn để sử dụng như một giải pháp tình thế, tạm thời lấp khoảng trống mà MiG-21 để lại.
Theo báo chí nước ngoài, Việt Nam sẽ sớm đặt mua 6 chiếc Yak-130 để thay thế những máy bay huấn luyện L-39 đã cũ. Nhưng với tình hình hiện nay, rất có thể số lượng Yak-130 sẽ lớn hơn và ở cả phiên bản chiến đấu chứ không phải huấn luyện đơn thuần.
>> Không quân Việt Nam "tạm biệt" tiêm kích huyền thoại MiG-21?
Theo Tuấn Trung (Dailo.vn)