Thời kỳ cao điểm, Không quân Việt Nam có tới 50 chiếc An-26, tuy nhiên sau 35 năm vận hành, đến nay số bay được không nhiều và đang được thay thế bằng C-295M.
An-26 đã đến lúc nghỉ hưu?
Đầu những năm 1980, Trung đoàn Không quân vận tải 918 - Đoàn không quân Hồng Hà (nay là Lữ đoàn 918) đã lần lượt tiếp nhận tới 50 máy bay vận tải quân sự hạng nhẹ An-26 từ Liên Xô.
Theo Báo cáo “Không quân Thế giới 2015” của Tạp chí Flight Global, Không quân Việt Nam hiện còn khoảng 30 chiếc An-26 trong biên chế. Tuy nhiên, không rõ số lượng có thể bay và số còn tốt là bao nhiêu.
Trên thực tế, qua xấp xỉ 35 năm hoạt động, vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là phụ tùng khan hiếm nên số máy bay An-26 tốt đang ngày một ít, ảnh hưởng lớn tới năng lực vận tải của Không quân ta.
Đứng trước tình hình trên, theo báo Quân đội nhân dân, Nhà máy A41 - Quân chủng Phòng không - Không quân đã được đầu tư để triển khai Dự án đầu tư chiều sâu công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn máy bay vận tải quân sự An-26 lên trên 25 năm.
Tuy nhiên, tăng hạn để An-26 bay thêm một số năm nữa chỉ là giải pháp tạm thời, nhất là giới hạn tuổi thọ khung thân của chúng đã cao trong khi phụ tùng ngày càng hiếm, thậm chí đã phải tháo dỡ, dùng lại phụ tùng của những chiếc bị loại biên.
Về lâu dài, An-26 bắt buộc phải thay thế và C-295M của Airbus đã được lựa chọn. Mặc dù vậy, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc thay máu ồ ạt là không khả thi, nhất là giá của C-295M không hề rẻ, tới hơn 30 triệu USD mỗi chiếc.
|
Đoàn cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam đang được lãnh đạo hãng Airbus giới thiệu về dòng máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không C-295 AEW&C
|
Thời của C-295M đã tới?
3 chiếc C-295M vừa tiếp nhận là con số quá ít, không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế của Không quân Việt Nam, do vậy trong tương lai số máy bay vận tải loại mới này chắc chắn sẽ không dừng ở con số 3.
Cơ bản có thể nhận định, nếu duy trì 2 phi đội C-295M ở 2 đầu Bắc - Nam, Không quân Việt Nam (Lữ đoàn vận tải 918) có thể sẽ được trang bị tới 12 - 16 chiếc, trong đó mỗi phi đội có từ 6 - 8 máy bay.
Hơn thế, việc Airbus phát triển C-295M thành một họ máy bay với nhiều biến thể như vận tải, săn ngầm, tuần tiễu biển, cảnh báo sớm trên không,… khiến cơ hội của chúng ở Việt Nam ngày càng lớn hơn.
|
Phiên bản máy bay săn ngầm C-295MPA được phát triển trên cơ sở C-295M |
Đơn giản bởi nhu cầu của Việt Nam không chỉ dừng ở mỗi loại máy bay vận tải thuần túy. Cùng trên nền dòng C-295M, nếu Việt Nam mua thêm các biến thể kể trên, sẽ là “một mũi trên bắn trúng nhiều đích”.
Trước hết, đáp ứng định hướng tiến thẳng lên hiện đại của Không quân và nhất là Hải quân khi các lực lượng này có thêm máy bay thế hệ mới như săn ngầm, tuần tiễu biển, cảnh báo sớm và chỉ huy trên nền C-295M.
Thứ hai, việc mua nhiều biến thể dùng chung khung thân C-295M sẽ giúp Việt Nam có thế mạnh để đàm phán được mức giá tốt. Đồng thời, các dịch vụ hậu mãi như sửa chữa, bảo dưỡng cũng dễ dàng và thuận lợi hơn
Thứ ba, trừ kíp vận hành khí tài trên máy bay phải đào tạo theo chương trình riêng, về cơ bản phi công và thợ máy cũng như các phương tiện đảm bảo kỹ thuật mặt đất có thể dùng chung, giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí.
Như vậy có thể thấy, thời của C-295M ở Việt Nam đã tới, chắc chắn không chỉ có phiên bản vận tải mà các “đàn em” của nó sẽ sớm xuất hiện, tăng cường sức mạnh cho Không quân và Hải quân Việt Nam.
>> Máy bay vận tải C-295M của Việt Nam có thể hạ cánh ở sân bay Trường Sa
Theo Bình Nguyên (Dailo.vn)