Tương tự trường hợp MiG-21, "Đôi cánh ma thuật" Su-22 của Không quân Nhân dân Việt Nam đang dần đi tới những tháng ngày phục vụ cuối cùng.
Do tuổi thọ khung thân vào khoảng 2.000 giờ bay, tương đương 20 năm phục vụ (thông báo từ trang chủ của Sukhoi) chưa kể một số máy bay khi chuyển đến Việt Nam đã là hàng secondhand, vì vậy vào thời điểm năm 1998 khi chúng ta ký với Nga hợp đồng sửa chữa và tăng hạn sử dụng thì số lượng Su-22 chỉ còn lại 54 chiếc (theo giáo sư Carlyle A. Thayer).
Cường kích Su-22UM3K của Việt Nam được nâng cấp tại Ukraine |
Cũng theo SIPRI, trong năm 2005, Việt Nam đã mua bổ sung từ Cộng hòa Czech 5 chiếc Su-22 và sang năm 2006 tiếp tục mua 8 chiếc Su-22 khác từ Ukraine, chúng đều được nâng cấp để thực hiện nhiệm vụ tác chiến không đối hải.
Như vậy dễ dàng nhận ra 51 chiếc Su-22 Liên Xô viện trợ đã sắp đến lúc "nhận sổ hưu" (3 chiếc rơi vì tai nạn), do đã được tăng hạn một lần, khả năng kéo dài thời gian trong biên chế thêm nữa gần như là bất khả thi, 13 chiếc mới hơn cũng khó có thể duy trì tình trạng kỹ thuật tốt sau 10 năm nữa.
Khi MiG-21 đã bị loại biên, số lượng Su-27/30 còn tương đối ít thì việc Việt Nam phải nhanh chóng tìm phương án lấp đầy khoảng trống đang ngày càng trở nên cấp thiết.
Su-22 của Việt Nam sắp theo chân MiG-21 "nhận sổ hưu" |
Đã từng xuất hiện ý kiến cho rằng Việt Nam chỉ cần 2 trung đoàn Su-34 là đủ để thay thế toàn bộ phi đội Su-22 hiện tại. Tuy nhiên nếu làm theo cách này chi phí sẽ cực cao, nhất là khi điều kiện kinh tế của chúng ta đang khó khăn, thêm vào đó thời gian để hoàn thành dự án sẽ tương đối dài, không kịp lấp khoảng trống trong lúc tình hình biển đảo đang ngày càng tăng nhiệt.
Hai phương án khác cũng được nhắc tới bao gồm sau khi làm chủ công nghệ tăng hạn, Việt Nam nên mua gom Su-27 cũ từ Đông Âu để kéo dài thời hạn sử dụng, sau đó nâng cấp lên chuẩn Su-27SKM/UBM (tính năng tương đương Su-30), hoặc nhận lại các tiêm kích F-16 thuộc chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Mỹ.
Cách làm trên có chi phí "mềm" hơn rất nhiều so với mua máy bay mới nhưng vẫn tồn tại nhược điểm thời hạn phục vụ không được dài (đặc biệt khi Su-27 có tuổi thọ khung thân chỉ tương đương Su-22).
Tuy rằng bài toán thay thế Su-22 đang là vấn đề vô cùng nan giải của Không quân Việt Nam nhưng yêu cầu mua sắm số lượng lớn tiêm kích hiện đại chắc chắn vẫn phải tiến hành theo đúng lịch trình.
Trong trường hợp đó, giải pháp trung dung như mua dần chiến đấu cơ hiện đại với số lượng nhỏ, kết hợp tiếp nhận tiêm kích thế hệ cũ theo từng giai đoạn để tạm lấp khoảng trống có lẽ chính là phương án tối ưu, sẽ khắc phục được gần hết các nhược điểm đã nêu, giúp cho Không quân Nhân dân Việt Nam vẫn duy trì được sức chiến đấu cần thiết.
Theo Hải Dương (Thegioitre.vn/Infonet.vn)