Việt Nam sản xuất máy bay không người lái từ khi nào?

16/10/2015 09:36:47

Từ năm 1996, Quân chủng PK–KQ đã phát triển 2 mẫu UAV M96 và M96D, từ đó đến nay việc chế tạo UAV của VN đã đạt được thành tựu lớn.

Từ năm 1996, Quân chủng PK–KQ đã phát triển 2 mẫu UAV M96 và M96D, từ đó đến nay việc chế tạo UAV của VN đã đạt được thành tựu lớn.
Thành tựu được coi là lớn nhất trong việc sản xuất UAV của Việt Nam là sản xuất thành công UAV-02. Dù được nghiên cứu và chế tạo chỉ với nhiệm vụ làm mục tiêu bay, tuy nhiên sự ra đời của loại UAV này có ý nghĩa đặc biệt quan trong với Không quân Việt Nam.
 
Với 2 động cơ phản lực, sải cánh 2,8m, chiều dài thân 2,5m, UAV-02 có các tính năng theo thiết kế đạt: Tốc độ bay hành trình từ 250 - 350km/h, bán kính hoạt động 100km, độ cao bay tối đa 8.000m; trọng lượng 38kg khi nạp đủ nhiên liệu với thời gian hoạt động tối đa là 45 phút.
 
UAV-02 có thể bay tự động theo chương trình đặt trước của người chỉ huy. Trong chuyến bay thử nghiệm phối hợp hiệp đồng với máy bay Su-30MK2 của Trung đoàn 923, Sư đoàn không quân 371, UAV-02 đã cơ bản đạt được yêu cầu đề ra.
 
Đặc biệt là sai số quỹ đạo không quá 15m trong điều kiện có gió mạnh, điều đó đã chứng tỏ thiết bị tự động điều khiển bay theo chương trình (Autopilot) do Viện kỹ thuật Phòng không-không quân tự chế tạo đạt chuẩn quân sự của thế giới về UAV. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, UAV-02 đã hạ cánh an toàn sẵn sàng cho các lần bay thử nghiệm tiếp theo.
 
Ngoài UAV-02, trong năm 2013 việc nghiên cứu và phát triển UAV của Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công lớn, trong đó có sự ra đời của UAV VT – Patrol sản phẩm của Viettel. VT - Patrol với sải cánh 3,35m, chiều dài 2,31m, chiều cao 0,78m, được thiết kế bằng gỗ và vật liệu composite hàng không chất lượng cao, bền và nhẹ phù hợp với nhu cầu tác chiến quân sự Việt Nam.
 
VT - Patrol đã từng hoạt động dọc sườn núi trong thời tiết khắc nghiệt chỉ khoảng 10 độ C, có mây mù. VT - Patrol trinh sát bằng camera hồng ngoại full HD có thể nhận dạng và phân biệt mục tiêu người lính trong khoảng 600m. VT - Patrol có khả năng bay với vận tốc 110km/h, cự ly hoạt động 50km, trong khoảng 2 giờ đồng hồ.
 
Khi máy bay đạt độ cao trên 150m, mọi hoạt động của máy bay sẽ được chuyển sang chế độ bay tự động, được người trắc thủ vận hành tự động thông qua trạm điều khiển mặt đất. Bay theo hành trình, quỹ đạo đã được xây dựng trước, bay quanh mục tiêu, bay bắt bám mục tiêu đều có thể thực hiện được thông qua trạm điều khiển mặt đất.
 
Máy bay sẽ truyền thông tin, hình ảnh theo thời gian thực. Viettel đang ấp ủ có thể sẽ sản xuất ra những chiếc máy bay không người lái tầm trung với thời gian bay 15 -24 giờ phục vụ cho trinh sát cấp chiến dịch, chiến lược, xa hơn nữa là các thiết bị tối tân khác như tên lửa để tăng cường khả năng phòng vệ cho đất nước.
 
Hồi đầu tháng 5/2013, Liên hiệp Khoa học sản xuất công nghệ cao Viễn thông-Tin học (HTI), thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã tuyên bố thử nghiệm thành công UAV “made in Vietnam” do Viện này nghiên cứu và sản xuất.
 
UAV “made in Vietnam” được công bố với 5 mẫu với các thông số kỹ thuật và tính năng khác nhau. Trong đó loại lớn nhất có thể bay với bán kính 100 km, trần bay là 3 km, tốc độ tối đa là 180 km/h, thời gian hoạt động trên không 6 giờ và có thể bay cả ban ngày và ban đêm.
 
Máy bay được trang bị camera máy ảnh tác nghiệp cả ban ngày và ban đêm, các trang thiết bị nghiên cứu khoa học chuyên dụng khác. Tầm bay của máy bay có thể mở rộng xa hơn khi sử dụng liên lạc vệ tinh dẫn đường hoặc các trạm điều khiển chuyển tiếp mặt đất.
 
Cũng trong năm 2013, FPT cũng cho ra đời chiếc UAV do mình tự nghiên cứu phát triển. Chiếc UAV này được xác định thuộc dòng VTOL UAV. Đây là dòng máy bay đang được phát trển mạnh tại nhiều nước trên thế giới, đồng thời bắt đầu được phát triển tại Việt Nam. (Ảnh: VOV).
 
Theo PV (Đất Việt)