Trước việc Bộ trưởng Ngoại giao Philippines vừa cho biết nước này đang xem xét hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc trên Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 17-8, phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Bộ Ngoại giao trước việc Bộ trưởng Ngoại giao Philippines vừa cho biết nước này đang xem xét hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc trên Biển Đông.
"Chúng tôi sẽ xác minh thông tin này"- Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói.
Bà Hằng khẳng định Việt Nam đã nhiều lần nói rõ là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. "Trên tinh thần đó, chúng tôi yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông, được xác định bằng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông (DOC) ASEAN ký với Trung Quốc năm 2002, đóng góp thiết thực cho lợi ích chung của khu vực là duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, hợp tác và phát triển ở khu vực biển Đông"- Người Phát ngôn nêu rõ.
Hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Trước đó, ngày 16-8, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, ông Alan Peter Cayetano cho biết Philippines đang xem xét khả năng để cùng phát triển nguồn dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông. Mọi hoạt động liên doanh sẽ tuân thủ luật pháp Philippines và không ảnh hưởng tới lãnh thổ Philippines. Phát biểu này là tín hiệu mới nhất trong việc cải thiện quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila sau nhiều năm căng thẳng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Benigno Aquino.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Duterte đã hướng tới quan hệ đầu tư gần gũi và kết nối thương mại với Trung Quốc, trong đó có nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã bày tỏ sự ủng hộ ý tưởng liên doanh về năng lượng với Philippines ở Biển Đông.