Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông

20/04/2023 17:44:33

Lệnh cấm đánh bắt trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương công bố là xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế được xác lập theo Công ước Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Chiều 20/4, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, báo chí đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5-16/8.

Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc hồi tháng 3 công bố thời gian cấm đánh bắt cá hàng năm, "lệnh cấm" tại Biển Đông sẽ bao trùm vùng biển từ vĩ tuyến 12 đến phía bắc đảo Đài Loan. Khu vực này gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. "Lệnh cấm" sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 12h trưa 1/5 đến 12h trưa 16/8.

Trả lời câu hỏi, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết, lập trường của Việt Nam "đối với cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đơn phương ban hành trái phép" là nhất quán và đã được nhiều lần khẳng định rõ trong các năm qua.

Ông Đoàn Khắc Việt cho rằng: "Cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá này" đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế được xác lập theo Công ước Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt trả lời tại họp báo. Ảnh: TTXVN

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam và không làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Cũng tại họp báo, phóng viên đề nghị bình luận về việc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua cho biết Mỹ sẽ sẵn sàng hỗ trợ các nước trong khu vực đối phó với hành vi cưỡng ép, đe dọa của các nước khác đối với tàu cá của họ.

Phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt cho biết, việc duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông liên quan mật thiết đến hòa bình, ổn định hợp tác và cùng phát triển thịnh vượng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và trên thế giới.

Việt Nam mong muốn các bên liên quan đóng góp có trách nhiệm vào việc này trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982.

Theo Trần Thường (VietNamNet)