Tàu ngầm Kilo Việt Nam đã được trang bị tên lửa Club
Theo truyền thông Nga ngày 28-2, một tàu ngầm thông thường chạy bằng động cơ diezen-điện Project 636 lớp Varshavyanka (định danh NATO là lớp Kilo) đang được vận chuyển về Việt Nam trên tàu vận tải Rolldock Star của hãng Rolldock - Hà Lan.
Xuất phát rời cảng ngày 17-12 vừa qua, với hải trình dài khoảng 1 tháng rưỡi, con tàu 186 Đà Nẵng - tên gọi của một thành phố lớn thuộc miền Trung của Việt Nam sẽ đón chào Năm mới 2016 trên Đại Tây Dương và về đến quân cảng Cam Ranh của Việt Nam vào tháng 1 năm 2016.
Đây là tàu ngầm thứ 5 trong số 6 chiếc được Hà Nội đặt mua của Moscow. Từ năm 2013 đến nay, Nga đã bàn giao cho Việt Nam 4 tàu ngầm lớp này. Ngoài ra, các thủy thủ tàu ngầm Việt Nam cũng đã được học tập và huấn luyện chu đáo bên nước bạn.
Tàu ngầm 186 Đà Nẵng là tàu thứ hai được Nga chuyển giao cho Việt Nam trong năm nay. Hồi tháng 7, tàu ngầm Kilo 185 Khánh Hòa cũng đã cập cảng Cam Ranh an toàn. Trong năm 2013 và 2014, ba chiếc Kilo 182 Hà Nội, 183 TP Hồ Chí Minh, 184 Hải Phòng lần lượt được đưa về Việt Nam.
Các tàu ngầm thuộc đề án Varshavyanka, chạy bằng động cơ diesel-điện, có thể chạy với tốc độ tối đa dưới nước 20 hải lý, có độ sâu hoạt động 300 mét và thời gian hành trình tối đa đến 45 ngày.
Tàu chiến Nga phóng tên lửa Kalibr vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS từ biển Caspian ngày 7-10
Tàu ngầm được NATO mệnh danh là Black Hole (Lỗ đen) này được trang bị 6 ống phóng ngư lôi và tổ hợp tên lửa Kalibr (phiên bản xuất khẩu gọi là Club), với cả 2 dòng tên lửa chống hạm 3M-54 và đối đất (3M-14), mỗi tàu có khả năng mang được 4 quả tên lửa loại này.
3M-14 chính những tên lửa có cánh Kalibr - loại tên lửa tấn công mục tiêu trên đất liền đã được các chiến hạm Nga phóng từ Biển Caspian ngày 7 tháng 10 năm 2015, vượt gần 1500km, giáng đòn chính xác vào các cơ sở của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS trên lãnh thổ Syria.
Vụ tấn công thứ 2 của tên lửa Kalibr là từ tàu ngầm Kilo của Hạm đội Biển Đen mang số hiệu B-237 Rostov on Don - cùng loại với tàu ngầm Kilo Việt Nam ngày 8-12. Tàu ngầm này đã phóng 4 tên lửa Kalibr-PL từ dưới mặt biển, diệt 2 cơ sở chỉ huy của Nhà nước Hồi giáo.
Theo các chuyên gia quân sự, phạm vi tấn công các mục tiêu mặt đất của Kalibr có thể được nâng lên đến bốn ngàn km, với sai số vòng tròn đồng tâm (CEP), tức độ lệch mục tiêu của tên lửa không quá ba mét.
Hiện nay, tàu ngầm Kilo của Việt Nam đã được trang bị phiên bản xuất khẩu của tên lửa hành trình Kalibr là Club (biến thể phóng từ tàu ngầm là Club-S), với 2 phiên bản tấn công mặt đất 3M-14E và phiên bản chống hạm 3M-54E, có tầm phóng giới hạn ở con số 300km.
Club còn có thể trang bị trên Gepard 3.9, Molnya, Su-30 và MiG-35
Nga sẵn sàng trang bị phiên bản xuất khẩu Club-NK cho các tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9, Project 11661 đang đóng cho Việt Nam. Điều này đã được đề cập tới trong cuộc thảo luận giữa tư lệnh hải quan hai nước tại St. Petersburg, vào mùa thu năm 2015.
Hiện hai tàu hộ vệ lớp Gepard đã có mặt tại Việt Nam, hai chiếc nữa đang trong quá trình lắp đặt vũ khí. Ngoài ra, cả các tàu tên lửa lớp Molnya-Project 1241.8 được chế tạo tại Nhà máy đóng tàu Ba Son của Việt Nam theo giấy phép của Nga, cũng có thể được trang bị tên lửa Club.
Tên lửa Club còn có khả năng triển khai trên các chiến đấu cơ đa năng Su-30 và tiêm kích MiG-35.
Trong năm 2015, việc bàn giao cho phía Việt Nam một lô tiêm kích Su-30 đã được hoàn thành. Trong biên chế lực lượng phòng không không quân Việt Nam hiện có 36 máy bay thuộc loại này. Tất cả chúng đều có thể mang được tên lửa Club, nếu Việt Nam đặt mua.
Tàu ngầm Kilo Rostov-on-Don phóng tên lửa Club diệt 2 cơ sở chỉ huy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ngày 8-12
MiG-35 là máy bay chiến đấu đa năng sử dụng các loại vũ khí đối không, đối đất và chống hạm chính xác cao. Việc thảo luận khả năng bán cho Việt Nam các tiêm kích dòng MiG tối tân nhân của Nga đã được hai bên đề cập tại Hội chợ Hàng không vũ trụ quốc tế 2015 tại Nga.
Cuối năm 2015, Việt Nam đã nhận đợt thiết bị điện tử dẫn đường phạm vi gần và hạ cánh để phục vụ các sân bay quân sự thứ ba từ Nga. Kỹ thuật cho phép xác định máy bay, dẫn máy bay tới địa điểm chỉ định và tổ chức hạ cánh 24/24 giờ, không đòi hỏi sự có mặt thường trực của nhân viên không lưu.
Theo ý kiến nhận xét của Trung Tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, năm 2015 là giai đoạn tích cực, mở rộng hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Nga và Việt Nam.
Thông qua sự hợp tác này, Việt Nam có một cơ hội tuyệt vời để tăng cường tiềm năng bảo vệ quốc phòng. Các hợp đồng Nga bán vũ khí cho Việt Nam được thực hiện đầy đủ và đúng tiến độ.
Sang năm 2016, bổ sung cho sự hợp tác của hai nước trong lĩnh vực quốc phòng sẽ là hoạt động tập trận quân sự chung trên lãnh thổ Việt Nam.
Người Nga trong biên chế quân đội Liên Xô từng có dịp kề vai sát cánh chiến đấu với bạn bè Việt Nam trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng đây là lần đầu tiên đại diện quân đội Nga sẽ tham gia tập trận chung với những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Theo Thiên Nam (Đất Việt)