Việt Nam để lỡ cơ hội đóng tàu ngầm

26/02/2016 09:29:02

Trong những trường hợp có thể, thay vì chỉ đơn giản mua tàu, nên đàm phán thương lượng để có chuyển giao công nghệ, chế tạo, ... dù chỉ một phần.

Trong những trường hợp có thể, thay vì chỉ đơn giản mua tàu, nên đàm phán thương lượng để có chuyển giao công nghệ, chế tạo, ... dù chỉ một phần.

Trước thông tin Vụ trưởng Vụ công nghiệp đóng tàu và Kỹ thuật biển thuộc Bộ Công Thương Liên bang Nga đưa ra nhận định, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đóng tàu dân sự vẫn chưa có được sự phát triển tương xứng, phía Việt Nam ít đưa ra sáng kiến về phát triển mối quan hệ đóng tàu song phương, trao đổi với Đất Việt, ngày 25/2, Kỹ sư Phan Vĩnh Trị, nguyên Giám đốc Công nghệ thông tin, Tập đoàn Vinashin cho biết: "Hợp tác trong bất kỳ việc gì phải dựa trên nền tảng hai bên cùng có lợi và do đó hai bên đều phải chủ động, không thể chỉ do một bên.

Khi Vinashin phát triển mạnh đóng tàu cho nước ngoài, nếu phía Nga chủ động đưa ra các sáng kiến hợp tác và phía Việt Nam thấy có lợi thì có lẽ đã làm được một số việc rồi.

Thời kỳ đó, công nghệ đóng tàu thương mại, cạnh tranh của Nga không gây được ấn tượng gì ở Việt Nam (cũng có thể do thiếu thông tin) nên phía Việt Nam ít đưa ra sáng kiến hợp tác cũng là điều dễ hiểu".

Mặt khác, với phía Nga cũng cho biết, Nga cũng sẽ chủ động thu thập những thông tin cần thiết về các dự án đóng tàu đánh cá của Nga, để đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam. Sẵn sàng xem xét các phương án tài chính cùng có lợi để thực hiện những dự án chung.

Theo kỹ sư Phan Vĩnh Trị, Nga đang đưa ra 4 hướng hợp tác trong lĩnh vực tàu dân sự. Ba hướng đầu là nghiên cứu, thiết kế, công nghệ phục vụ cho thị trường đóng tàu Việt Nam, hướng thứ 4 hợp tác chế tạo đội tàu chạy biển sâu (cho Nga) tại Việt Nam.

Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm

Ba hướng đầu khó khả thi hoặc quy mô nhỏ với tình hình kinh tế Việt Nam nói chung và tình hình SBIC nói riêng hiện nay. Hướng thứ 4 khả thi nếu Nga muốn đóng tàu cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Việt Nam có thế mạnh về chi phí nhân công và một số chi phí khác thấp, dưới sự chỉ đạo toàn diện của nước ngoài như Damen đã làm, đóng tàu ở Việt Nam sẽ có giá thành thấp, cạnh tranh được trong bối cảnh ngành đóng tàu thế giới suy giảm như hiện nay. Tuy nhiên, có lợi hơn đóng ở Nga hay không thì không rõ.

Nên có chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đóng tàu quân sự

Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Trị cho hay: "Triển vọng hợp tác phụ thuộc vào cách đánh giá tình hình, quan điểm, chủ trương và năng lực của cả hai bên".

Ông dẫn chứng một vài ví dụ:

Thứ nhất, nếu phía Nga cho rằng hiệp định FTA giữa Việt Nam và EAEU đem lại lợi thế cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam xuất sang các nước liên quan (như trong bài trả lời phỏng vấn nêu trên) thì triển vọng hợp tác, đầu tư của Nga vào Việt Nam là rất lớn và Nga phải chủ động.

Thứ hai, nếu phía Việt Nam có cả chiến lược dài hạn và ngắn hạn phát triển ngành đóng tàu thì Nga là một đối tác đáng quan tâm, nhất là trong những lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, thiết kế.

Ví dụ: đã đến lúc nên “hiện đại hóa” chương trình đào tạo kỹ sư đóng tàu ở các trường đại học trong nước. Chương trình của Nga có thể là một đối tượng tham khảo (và của nhiều nước khác nữa). Công nghệ thiết kế của chúng ta hiện không giống ai, cũng nên “hiện đại hóa” nó.

Tuy nhiên, kinh nghiệm hợp tác với Ba Lan làm bể thử mô hình cho thấy không nên chỉ dựa vào một đối tác duy nhất và phía Việt Nam cần phải có những cán bộ có đủ năng lực chuyên môn, tầm nhìn để tham gia các dự án hợp tác.

Nhập khẩu kiến thức, công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu là điều không nên làm (hoặc chỉ áp dụng vào những nơi yêu cầu thấp) dù giá rẻ, điều kiện ưu đãi tài chính tốt.

Thứ ba, triển vọng hợp tác trong lĩnh vực tàu quân sự phụ thuộc vào các quyết định cấp cao của cả hai bên. Trong những trường hợp có thể, thay vì chỉ đơn giản mua tàu, nên đàm phán thương lượng để có chuyển giao công nghệ, chế tạo, ... dù chỉ một phần.

Trước đây, Vinashin đã để lỡ một cơ hội học thiết kế tàu ngầm (dù chỉ là đơn giản, bước đầu), nay không nên lặp lại. Chúng ta cũng đã có đóng một số tàu theo giấy phép của Nga.

Thứ tư, trong nền kinh tế thị trường, thay vì chỉ có sự làm việc “chính thống” giữa những đối tác được chỉ định của cả hai bên theo kiểu “từ trên xuống”, hai chính phủ nên có các chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp hai nước chủ động hợp tác với nhau.

Như thế, phạm vi hợp tác sẽ rộng hơn và tốt hơn nhiều. Đây là một hướng khả thi, hiệu quả, nên được quan tâm.

Ngoài ra, triển vọng có biến thành hiện thực hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực những người có liên quan.

Theo Châu An (Đất Việt)