Đại tá Nguyễn Tiến Học - Trưởng Phòng Đào tạo (Trường Sĩ quan Không quân) vừa cung cấp một thông tin mà những người quan tâm đến tình hình quân sự Việt Nam trông đợi từ lâu.
"Tuy nhiên, cái mới nhất của chương trình lần này là học viên không phải tốt nghiệp trên máy bay L-39 mà phải tốt nghiệp trên loại máy bay mới hơn.
Theo dự kiến của Quân chủng và của Bộ Quốc phòng, máy bay Yak-130 là loại máy bay hiện đại, thế hệ 4 và nó tương thích với trang thiết bị của các loại máy bay Su-27, Su-30.
Do đó, nó rất thuận lợi cho việc phi công sau khi tốt nghiệp đào tạo tại Trường Sĩ quan Không quân về chuyển loại đào tạo tại đơn vị trên các loại máy bay Su-27, Su-30".
Như vậy, sau khi xuất hiện một vài ứng viên được đánh giá có tiềm năng sẽ được lựa chọn làm máy bay huấn luyện thế hệ mới cho Không quân Nhân dân Việt Nam bao gồm L-39NG, L-159B... thì bây giờ Yak-130 đã lộ diện chính là ứng viên hàng đầu, giành được tín nhiệm cao của Bộ Quốc phòng cũng như Quân chủng Phòng không - Không quân.
|
Máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130 |
Yak-130 là sản phẩm do Tập đoàn Yakovlev thiết kế (ban đầu có sự tham gia của Aermacchi, Italy) và được Công ty Irkut sản xuất. Đây là loại phi cơ phản lực thế hệ mới có thể sử dụng trong vai trò máy bay huấn luyện hoặc chiến đấu hạng nhẹ.
Ưu điểm nổi bật của Yak-130 nằm ở việc nó được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến cùng với khả năng thao diễn rất linh hoạt, có thể mô phỏng hoàn hảo các bài bay của tiêm kích thế hệ 4 như Su-27/30, thậm chí cả chiến đấu cơ phương Tây.
Chiếc máy bay được thiết kế với góc tấn công lớn, nhờ mở rộng cánh về phía trước và bố trí cửa hút gió sẽ cho phép điều khiển ổn định góc tấn công (AoA) lên đến 40 độ. Giới hạn về trọng lượng tỷ đối khi còn hoạt động ổn định tại độ cao 4.500 m là 5,2G; trong khi giới hạn được đưa ra là từ +8G đến -3G khi thực hiện các thao tác vận động đột ngột.
Bên cạnh vai trò chính đào tạo phi công quân sự, nếu khách hàng có yêu cầu, nhà sản xuất sẽ tiến hành lắp đặt cho Yak-130 radar Osa do NIIP Zhukovsky sản xuất, hoặc radar Phazotron Kopyo (loại từng được sử dụng trên một số phiên bản nâng cấp của MiG-21), giúp cho Yak-130 đảm nhiệm tốt cả nhiệm vụ tiêm kích phòng không lẫn cường kích tấn công mặt đất.
|
Tổng trọng tải vũ khí mà Yak-130 mang được là 3.000 kg, phân bổ trên 8 giá treo ở thân và cánh |
Nếu được huấn luyện trên máy bay Yak-130, các phi công quân sự Việt Nam sẽ có cơ hội làm quen với chiến đấu cơ hiện đại, giảm bớt sự bỡ ngỡ khi tiếp xúc với tiêm kích đời cao như Su-27/30 sau khi nhận phân công công tác về đơn vị chiến đấu.
Hy vọng rằng dự định trên của Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân sẽ sớm được triển khai, để Không quân Nhân dân Việt Nam nói chung cũng như học viên phi công quân sự nói riêng đáp ứng ngày càng tốt hơn các đòi hỏi của nhiệm vụ bảo vệ bầu trời tổ quốc trong giai đoạn mới.
Theo Sao Đỏ (Thời Đại)