Hiện nay trong khu vực Đông Nam Á, Không quân Việt Nam và Indonesia đều đang sử dụng tiêm kích hạng nặng Su-27SK cùng với Su-30MK2 do Nga sản xuất.
Tuy nhiên nếu xét về thời gian cũng như kinh nghiệm vận hành dòng chiến đấu cơ hạng nặng này thì Việt Nam tỏ ra vượt trội Indonesia.
Cụ thể, theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI, Việt Nam đã nhận những chiếc Su-27SK đầu tiên từ năm 1996, đến năm 2004 lại tiếp tục đưa vào biên chế 4 máy bay Su-30MK2 đầu tiên. Trong khi đó, phải đến tận năm 2003, Indonesia mới chính thức sử dụng hai dòng tiêm kích tối tân này.
Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Indonesia |
Không chỉ có vậy, hiệu quả khai thác tiêm kích Sukhoi của Việt Nam cũng tốt hơn hẳn Indonesia. Hầu hết Su-27SK/UBK của Việt Nam đã bay khoảng 20 năm trên bầu trời mới phải vào dây chuyền duy tu bảo dưỡng thì từ 2003 đến nay, Indonesia đã phải cho "đắp chiếu dài hạn" 2 chiếc Su-27SK cùng 2 Su-30MK2 mới bay được trên dưới 500 giờ.
Đặc biệt hơn nữa, nhờ sự trợ giúp kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Ukraine, Nhà máy A32 thuộc Cục Kỹ thuật - Quân chủng Phòng không - Không quân đã làm chủ dây chuyền sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng cho tiêm kích Su-27SK/UBK và sắp tới sẽ là Su-30MK2, còn Indonesia vẫn phải gửi máy bay sang Belarus để "phục hồi chức năng".
Sửa chữa lớn tiêm kích Su-27UBK số hiệu 8526 tại Nhà máy A32 |
Thông qua việc tiêm kích Su-27UBK số hiệu 8526 sau khi rời dây chuyền sửa chữa lớn ngay lập tức quay lại trực chiến và mới đây còn tham gia huấn luyện bắn đạn thật tiêu diệt mục tiêu mặt đất, rõ ràng chất lượng đại tu tiêm kích của Việt Nam đã được đảm bảo.
Hai quốc gia Việt Nam - Indonesia đã thiết lập được những liên hệ đầu tiên trong lĩnh vực trang thiết bị không quân, bạn từng mang vận tải cơ CN-235 sang chào hàng cho Việt Nam cũng như đang lắp ráp loại máy bay tuần thám NC-212i cho Cảnh sát biển.
Nhờ mối bang giao này, liệu trong tương lai Việt Nam có thể sẽ trở thành nơi đại tu, sửa chữa lớn tiêm kích Sukhoi cho Không quân Indonesia? So sánh với Nga thì chúng ta có lợi thế ở quãng đường vận chuyển, chi phí thực hiện, cũng như "bắt bệnh" cho máy bay phục vụ lâu ngày ở vùng nhiệt đới tốt hơn.
Quá trình đưa Su-27/30 của Không quân Indonesia sang Việt Nam để tại tu hoàn toàn thực hiện được bằng cách thuê An-124-100 của Volga Dnepr, cho nên việc chúng ta chưa có phương tiện vận tải siêu trọng cũng không phải vấn đề quá lớn.
Nếu dự định trên thành hiện thực, Việt Nam vừa có dịp nâng cao tay nghề sửa chữa tiêm kích Su-27/30, quảng bá hình ảnh trong mắt bạn bè quốc tế, lại vừa thu được ngoại tệ phục vụ công cuộc phát triển quân đội nói riêng cũng như đất nước nói chung.
Theo Sao Đỏ (Thời Đại)