Đầu tháng 5/2017, Nhà máy A42 đã bàn giao một chiếc tiêm kích F-5E cho Nhà Truyền thống thị xã Phước Long - tỉnh Bình Phước để trưng bày.
Sau khi tiêm kích F-5E được xác nhận là vẫn còn hiện diện trong kho bảo quản, chuyên gia quân sự Nga - Đại tá Makar Aksenenko tại cuộc trả lời phỏng vấn trên Sputnik đã cho rằng Việt Nam có thể thuê Israel khôi phục và nâng cấp những chiếc F-5E này nhằm cấp tốc tăng cường lực lượng cho không quân khi cần thiết.
![]() |
Tiêm kích F-5E trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Chứng tích chiến tranh |
Tuy nhiên phải nhìn nhận thực tế rằng Israel chỉ có thể phụ trách về hệ thống điện tử hàng không, tức là các linh kiện "mềm", còn phụ tùng "cứng" để duy trì khả năng bay của F-5E thì Quốc gia Do Thái chưa phải đối tác lý tưởng.
Hiện nay nguồn cung phụ tùng cho F-5E gần như không còn, khi Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc hay Singapore... cũng đang phải dùng hết sức tiết kiệm để phục vụ những phi đội của họ.
Do vậy trong tình cảnh này, đối tác mà Việt Nam nên nhắm tới như một nhà cung cấp phụ tùng tiềm năng nếu quyết định thực hiện dự án khôi phục F-5E chính là Iran.
![]() |
Tiêm kích nội địa Saeqeh-80 của Không quân Iran |
Trong năm 2013, Iran tuyên bố họ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chiếc tiêm kích nội địa có tên gọi Saeqeh-80.
Mặc dù tự nhận là do các nhà khoa học trong nước thiết kế, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy trừ kết cấu 2 cánh đuôi đứng thì Saeqeh-80 hoàn toàn giống hệt F-5E.
Do sự tương đồng giữa hai máy bay, các thành phần trên F-5E và Saeqeh-80 được cho là có thể hoán đổi cho nhau. Điều này cũng hợp lý vì phi đội F-5E của Iran từ lâu đã hoạt động bằng linh kiện do họ tự sản xuất.
Nếu vậy, Quốc gia Trung Đông đã trở thành cơ sở duy nhất tại thời điểm này vẫn còn sản xuất phụ tùng mới cho tiêm kích F-5E.
Quan hệ hợp tác Việt Nam và Iran hiện rất tốt đẹp, các lệnh cấm vận của quốc tế cũng đã được dỡ bỏ gần hết, cho nên triển vọng Iran bán trang thiết bị cho Việt Nam để tái biên chế F-5E là điều có thể xảy ra.
Theo Chí Linh (Đất Việt)