Theo chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thời gian qua ngành công nghiệp quốc phòng nước nhà đã nhận được sự quan tâm đầu tư lớn để từng bước đáp ứng nhu cầu tự chủ vũ khí trang bị.
Có thể kể ra đây một vài sản phẩm tiêu biểu như tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8, pháo tự hành bánh lốp 105 mm hoán cải từ lựu pháo xe kéo M101, radar bắt máy bay tàng hình RV-02 nâng cấp lên từ đài Vostok-E của Belarus, hay súng chống tăng SCT-29 chế tạo dựa trên nguyên mẫu RPG-29 của Nga...
Ngoài ra còn phải kể tới những công trình thuần chất Việt Nam như hệ thống cảnh giới vùng trời tự động VQ1-M và máy hỏi MH-VN1 đã được chấp nhận tích hợp vào hệ thống tên lửa phòng không SPYDER...
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cả 3 quân chủng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam thời gian qua, đòi hỏi mang tính cấp thiết đó là chúng ta phải nghiên cứu chế tạo ra nhiều chủng loại vũ khí, khí tài tiên tiến hơn nữa.
Tuy nhiên do nền tảng khoa học kỹ thuật còn một số hạn chế mà tiến độ thực hiện đôi khi chưa đạt mục tiêu đề ra. Để giải bài toán này, thiết nghĩ Việt Nam nên tận dụng cả nguồn lực từ bên ngoài.
Phương án đơn giản nhất và vẫn đang được thực hiện đó là mua lại giấy phép từ các đối tác truyền thống, tiêu biểu cho hướng đi trên chính là việc Nhà máy Z111 sản xuất súng Galil ACE, Nhà máy Ba Son đóng mới loạt tàu tên lửa "Tia chớp" hay liên doanh Damen - Sông Thu cho ra đời tàu tuần tra DN-2000 dựa trên mẫu OPV-2400.
Bên cạnh đó còn một hướng đi khác Việt Nam cũng nên triển khai nhằm đi đúng vào trọng tâm đầu tư, nhằm có được các chủng loại vũ khí đặc biệt, độc nhất vô nhị và đúng 100% theo nhu cầu của mình, đó là thuê đối tác nước ngoài thiết kế vũ khí.
Trên thế giới đây là hình thức khá phổ biến, điển hình như Trung Quốc đã sản xuất trực thăng Z-10 theo bản vẽ mà Kamov làm theo đơn đặt hàng của họ, hay trong quá khứ Việt Nam cũng thuê Viện thiết kế phương Bắc của Nga thiết kế tàu tên lửa KBO-2000.
Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn trên thế giới ngoài làm việc phục vụ nhu cầu của chính nước sở tại thì họ vẫn luôn muốn nhận được nhiều đơn hàng từ nước ngoài để mở rộng doanh thu.
Dĩ nhiên đối với các loại vũ khí, khí tài mang quá nhiều hàm lượng công nghệ cao thì khó có khả năng chúng ta sản xuất được mà chất lượng đảm bảo, nhưng nếu sản phẩm là các loại cơ bản như đạn dược chuyên dụng thì điều này hoàn toàn khả thi.
Viễn cảnh trước mắt có lẽ là Việt Nam có thể đặt hàng một doanh nghiệp nước ngoài nào đó thiết kế cho mình các loại đạn cơ bản để trang bị cho xe tăng T-90S/SK sắp vào biên chế nhằm tránh phụ thuộc vào Nga.
Nếu thành công thì đây sẽ là tiền đề cho việc tiến tới đặt hàng các chủng loại vũ khí, khí tài tối tân hơn như xe bọc thép, pháo tự hành hay chiến hạm mặt nước theo đúng yêu cầu tác chiến của Việt Nam, thay vì mua giấy phép sản xuất thì sẽ phải nhận về một vài tính năng không cần thiết hoặc là thiếu hụt so với nhu cầu.
Theo Sao Đỏ (Soha/Thời Đại)