Việt Nam có nên chọn tàu đệm khí mang tên lửa diệt hạm độc đáo của Nga?

05/10/2015 08:55:06

Tàu đệm khí mang tên lửa Bora có nhiều ưu điểm như tốc độ cao, hỏa lực mạnh, phù hợp với phương thức tác chiến đánh nhanh, rút nhanh của các quốc gia có hải quân khiêm tốn như VN.

Tàu đệm khí mang tên lửa Bora có nhiều ưu điểm như tốc độ cao, hỏa lực mạnh, phù hợp với phương thức tác chiến đánh nhanh, rút nhanh của các quốc gia có hải quân khiêm tốn như VN.
 
Khác biệt độc nhất vô nhị
 
Thông thường, nhắc đến tàu đệm khí của hải quân, người ta thường liên tưởng ngay đến những lớp tàu đổ bộ tốc độ cao, nhưng các nhà thiết kế Liên Xô (cũ) sau này là Nga, với cách nghĩ hoàn toàn khác biệt, đã biến chúng thành những tàu tên lửa độc nhất vô nhị.
 
Từ ý tưởng đó, tàu đệm khí mang tên lửa lớp Bora thuộc Dự án 1239 đã ra đời và ngay lập tức trở thành loại tàu tiến công tốc độ cao với hỏa lực cực mạnh.
 
Nó được thiết để để thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các tàu nổi, tàu tiến công cao tốc và tàu vận tải của đối phương trong mọi khu vực biển gần và trong bán kính tác chiến gần trên khu vực biển mở một cách độc lập hay như một tàu chỉ huy của biên đội tàu hải quân.
 
Nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa các loại vũ khí và hệ thống định vị tốt, tàu Bora có khả năng phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu nổi và các mục tiêu bay bằng tên lửa hoặc pháo ở tầm bắn hiệu quả xa nhất trong điều kiện nhiễu nặng và biển động mạnh (tới cấp 5).
 
Các thiết bị tác chiến điện tử chủ động và thụ động được trang bị có thể giúp tàu tự bảo vệ hiệu quả trước các tên lửa của địch. Tàu có khả năng đạt tốc độ tối đa tới 100km/h (45 hải lý/h). Không một loại tàu chiến mặt nước nào có thể nhanh bằng.
 
 
Việt Nam có nên lựa chọn?
 
Ưu điểm của tàu đệm khí mang tên lửa lớp Bora thể hiện ở chỗ:
 
Thứ nhất, tốc độ di chuyển cực nhanh. Với tốc độ tối đa tới 100km/h, Bora thích hợp và có thể thực hiện xuất sắc phương thức tác chiến đánh nhanh, rút nhanh của các quốc gia có hải quân khiêm tốn như VN.
Từ bờ, hoặc từ khu đợi cơ, các tàu Bora có thể xuất kích, nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí thuận lợi, phóng tên lửa diệt hạm ở cự ly hiệu quả rồi nhanh chúng rút lui, trở về khu neo đậu, trú ấn trước khi đối phương kịp phản ứng.
 
Thứ hai, hỏa lực mạnh với nhiều lựa chọn. Hiện nay, các nhà thiết kế tàu quân sự Nga đang đưa ra những cấu hình vũ khí hết sức đa dạng có thể trang bị cho lớp tàu để khách hàng có thể cân nhắc và đưa ra quyết định phù hợp.
 
Cụ thể, có tới 4 cấu hình tên lửa diệt hạm khác nhau, gồm:
 
- Lựa chọn 1: 8 tên lửa 3M-80E Moskit tấm bắn 120km hoặc có thể dùng phiên bản tên lửa mới hơn 3M80MVE tầm bắn 240km
 
- Lựa chọn 2: 16 tên lửa 3M-24E tầm bắn 130km hoặc có thể dùng phiên bản tên lửa mới hơn 3M-24UE tầm bắn 260km
 
- Lựa chọn 3: 12 tên lửa Yakhont tầm bắn 300km
 
- Lựa chọn 4: 12 tên lửa Yakhont kết hợp cùng 8 tên lửa 3M-24E/UE
 
Bên cạnh đó, tàu được trang bị pháo chính là loại pháo nòng đơn 100mm AK-190E tiên tiến nhất của Nga hiện nay.
 
 
Thứ ba, phòng không tốt, không thua kém các khinh hạm hạng nhẹ. Cấu hình phòng không mạnh nhất mà các nhà thiết kế Nga đã tính tới cho các tàu Bora là 2 modul của hệ thống pháo/tên lửa phòng không Kashtan-M cùng 16 tên lửa vác vai Igla-S.
 
Cấu hình phòng không này cho phép nó có thể tự bảo vệ hiệu quả trước các đòn tấn công bằng tên lửa diệt hạm hoặc diệt radar của đối phương.
 
Thứ tư, các khí tài trinh sát, tác chiến điện tử hiện đại và có thể nâng cấp theo yêu cầu. Tàu được trang bị radar sục sạo và nhận dạng mục tiêu Monolit-K/Monument-E; Hệ thống đạo hàng Gorizont-25; Radar kiểm soát hỏa lực 5P-10E.
 
Tàu được trang bị radar sục sạo mục tiêu trên không và trên mặt biển Pozitiv-ME1 có tầm trinh sát tối đa 150km trong điều kiện biển động cấp 3.
 
Radar này có thể phát hiện mục tiêu bay có diện tích phản xạ radar 1m2 bay ở độ cao 1.000m từ khoảng cách 110km; có thể phát hiện mục tiêu là tên lửa đối hạm có diện tích phản xạ radar 0,03m2 bay ở độ cao 15m từ khoảng cách 15km.
 
Nó có thể bám cùng lúc 3-5 mục tiêu. Đối với mục tiêu là tàu nổi có diện tích cỡ 10.000m2 Pozitiv-ME1 có thể phát hiện ra chúng từ ngoài đường chân trời.
 
Ngoài ra, tàu còn được trang bị súng phóng lựu diệt người nhái DP-64 để bảo vệ tàu trước các cuộc tiến công của lực lượng này từ dưới mặt nước. Các cơ cấu phóng KT-216 của hệ thống mồi bẫy tầm gần PK-10 đảm trách gây nhiễu tên lửa diệt hạm của đối phương.
 
Mặc dù có nhiều ưu điểm như vậy nhưng với Việt Nam có lẽ các tàu đệm khí mang tên lửa Bora chưa thực sự phù hợp bởi lẽ mặc dù có tốc độ nhanh, nhưng cự ly hành trình ngắn, nếu chạy ở tốc độ tối đa chỉ đạt 800 hải lý.
 
Trong khi đó, vùng biển Việt Nam rất rộng, với cự ly hành trình tương đối hạn chế và dự trữ hoạt động chỉ đạt 10 ngày, không thích hợp cho nhiệm vụ tuần tra dài ngày trên biển.
 
Không những thế, Biển Đông là vùng biển mở, nhiều bão tố, gió lốc mạnh, mà thiết kế của tàu chủ yếu hoạt động ở khu vực biển gần, còn trên khu vực biển mở, khả năng của chúng là khá khiêm tốn.
 
Có lẽ chính vì những hạn chế này mà đến nay, ngay Hải quân Nga cũng chỉ đưa vào biên chế 2 chiếc và chưa có được hợp đồng xuất khẩu nào, dù đã khá tích cực quảng bá. Do vậy, Hải quân Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến lớp tàu này cũng là điều dễ hiểu.
 
Thông số kỹ thuật cơ bản
 
Choán nước đủ tải: 1.000 tấn; Dài: 64,0m; Rộng: 17,2m; Mớn nước khi đầy tải: 3,8m; Tốc độ tối đa: 45 hải lý/h; Tốc độ tiết kiệm 12 hải lý/h;
 
Tầm hoạt động:
 
- Ở tốc độ tiết kiệm khi tàu đầy tải 2.500 hải lý;
 
- Ở tốc độ tối đa, trên đệm khí: 800 hải lý;
 
Dự trữ hoạt động: 10 ngày; Thủy thủ đoàn: 68 người.
 
>> Nga giúp Việt Nam xây cơ sở sửa chữa tàu ở Cam Ranh?
>> Dàn tên lửa trên cặp tàu chiến hiện đại nhất Việt Nam
 
Theo Bình Nguyên (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật