Việt Nam – Campuchia đã ký Hiệp ước bổ sung hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và hiệp ước bổ sung 2005 giữa Việt Nam - Campuchia; Nghị định thư phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đạt được cho tới nay.
Lễ ký kết diễn ra tại Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia 2006-2019 diễn ra tại Hà Nội sáng 5.10.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, hai văn kiện trên, cùng với các văn kiện pháp lý về biên giới đã ký kết trước đây, tạo thành “khung pháp lý cho quản lý và phát triển đường biên giới Việt Nam - Campuchia đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội biên giới, đồng thời thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu hữu nghị, nâng cao đời sống nhân dân biên giới, xây dựng đường biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia thành đường biên giới hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển bền vững”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lễ ký hôm nay là tuyên bố mạnh mẽ của 2 quốc gia, độc lập, có chủ quyền là Việt Nam và Campuchia “về ý chí, quyết tâm hợp tác, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của nhau, bình đẳng, cùng có lợi vì hạnh phúc phồn vinh của nhân dân 2 nước”.
Theo Thủ tướng, trong thời gian tới, hai bên tiếp tục nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm đảm bảo thành quả 84% công tác phân giới cắm mốc sẽ được báo cáo cơ quan có thẩm quyền 2 nước để hai văn kiện pháp lý này đi vào thực tiễn. Cùng với đó, khoảng 16% đường biên giới chưa được phân giới cắm mốc, lãnh đạo hai nước tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc để sớm hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên toàn tuyến, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là các điều ước quốc tế có liên quan được ký kết giữa hai nước.
Ngoài ra, do công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia chưa hoàn thành toàn bộ nên công tác quản lý, giữ gìn trật tự, trị an khu vực biên giới cần chú trọng thực hiện theo hướng: Tiến hành quản lý theo đường biên, mốc giới đã được mô tả trong nghị định phân giới cắm mốc những khu vực đã hoàn thành phân giới cắm mốc. Tiếp tục quản lý theo quy định tại khoản 5 Điều II Hiệp ước bổ sung 2005 với những khu vực chưa hoàn thành phân giới cắm mốc. Bên cạnh đó, hai bên cũng cần hợp tác xây dựng ngay Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và quản lý cửa khẩu biên giới mới để thay thế Hiệp định ký năm 1983 cho phù hợp với tình hình mới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho rằng, lễ ký 2 văn kiện lịch sử hôm nay đã cho thấy “tiến độ giải quyết vấn đề biên giới 2 nước đã tiến một bước đáng tự hào”. Theo ông, thành tựu này “xuất phát từ nỗ lực trong tìm kiếm giải pháp chung trên tình hữu nghị anh em, sự cảm thông lẫn nhau và là người bạn mấy chục năm qua”.
“Chính phủ Hoàng gia Campuchia kiên quyết lập trường xây dựng đường biên giới Campuchia - Việt Nam dựa trên luật pháp quốc gia, quốc tế và thông lệ thực tiễn quốc tế về việc chấp nhận nguyên tắc đường biên giới không thể thay đổi mà thực dân Pháp đã để lại để tiếp tục làm cơ sở vững chắc nhằm hoàn thành giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước chúng ta” - Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh.
Việt Nam – Campuchia là hai nước láng giềng, có chung đường biên giới trên đất liền đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam và 9 tỉnh biên giới của Campuchia với điểm khởi đầu là ngã ba biên giới Việt Nam – Campuchia - Lào và điểm kết thúc là vị trí cột mốc số 314 nằm trên bờ biển giữa tỉnh Kiên Giang, Việt Nam và tỉnh Campot, Campuchia.
Trình bày, báo cáo tổng kết công tác phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2006-2019, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung - Chủ nhiệm ủy ban biên giới quốc gia, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc đất liền Việt Nam – Campuchia cho biết, tính đến nay, 2 bên đã cắm được 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí, bao gồm cả mốc chính, mốc phụ và 221 cọc dấu, phân giới được 1044,985 km đường biên giới, tương ứng với khoảng 84% khối lượng công việc phân giới cắm mốc hoàn thiện biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia.
“Thành quả phân giới cắm mốc đã đạt được giúp 2 nước có 84% đường biên giới được phân bạch rõ ràng trên thực địa, được đánh dấu bằng hệ thống cột mốc biên giới khang trang, chính quy, hiện đại, bền vững. Đây chính là cơ sở pháp lý và thực tiễn để chính quyền và các lực lượng chức năng của hai nước phối hợp tốt hơn nữa công tác quản lý biên giới thời gian tới, góp phần tạo dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển bền vững. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân hai nước an toàn, an tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo” – Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Nói về kế hoạch công tác giai đoạn tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Campuchia – Việt Nam Var Kim Hong cho biết, hai nước cần tăng cường phối hợp chặt chẽ. Trong đó, hai bên cần tiếp tục hoàn tất trình tự thủ tục pháp lý nội bộ về việc phê chuẩn 2 văn kiện được ký hôm nay; trao đổi thư phê chuẩn và phối hợp tổ chức lễ trao đổi thư phê chuẩn tại thủ đô Phnom Penh vào thời gian thích hợp nhất. Sau đó, Campuchia và Việt Nam sẽ thỏa thuận về việc đăng ký 2 văn kiện này tại Liên Hơp Quốc theo điều 102 Hiến chương Liên Hợp Quốc vào thời gian phù hợp.
Ông bày tỏ tin tưởng, cho dù quá trình giải quyết phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng “hai nước chắc chắn sớm tìm được giải pháp để giải quyết cho 16% khu vực còn tồn đọng, để hoàn thành 100% đường biên giới chung Campuchia – Việt Nam, để lại di sản lịch sử mãi mãi cho nhân dân, dân tộc 2 nước chúng ta”.
Theo Thanh Hà - Sơn Tùng (Lao Động)