Các cô bé Yazidi hoảng loạn trong chuyến trực thăng di tản vào tháng 8 năm 2014 - Ảnh: CNN |
|
Hành trình trốn chạy bạo lực đầy hoảng loạn - Nguồn: CNN/Youtube |
Hàng ngàn người dân thuộc tộc người thiểu số Yazidi của Iraq đã phải bỏ chạy lên các khu vực núi cao hơn để tránh bị IS bắt cóc và thảm sát.
Các gia đình như gia đình của Aziza đã mất hơn một tuần mắc kẹt trên vùng núi cao cằn cỗi của núi Sinjar trong tình trạng không lương thực, nước uống.
Chiếc trực thăng của quân đội Iraq khi đó là cơ hội hiếm hoi mà nếu bỏ lỡ cũng đồng nghĩa với việc cả gia đình bị ly tán, có thể là mãi mãi.
Thật may là Aziza và tám người họ hàng của cô bé đã cùng lên được trực thăng. Họ ôm nhau khóc khi thấy phi hành đoàn trên chuyến bay dùng súng máy nhằm vào những mục tiêu nghi là của IS trong hành trình đưa họ tới nơi trú ẩn an toàn.
Hơn một năm sau cuộc di tản kinh hoàng, phóng viên CNN có dịp gặp lại Aziza cùng gia đình cô đang sống tại trại tị nạn ở khu tự trị người Kurd thuộc Iraq.
Dunya, 18 tuổi, chị gái của Aziza nói: “Một năm đã qua và tất cả chúng tôi đã an toàn, tạ ơn Chúa. Nhưng giá như chúng tôi về được nhà thì sẽ tốt hơn”.
Những chiếc container hai phòng lắp ghép mà gia đình cô bé gọi là nhà của họ dù sao cũng đã tốt hơn nhiều so với điều kiện sống trước đó không lâu.
Trong bảy tháng đầu tiên sau khi trốn khỏi phiến quân IS, cả gia đình chẳng có chỗ nào nương náu ngoài việc phải sống trên nền bê tông của một công trường xây dựng dang dở.
Những người dân tộc thiểu số Yazidi chạy trốn IS - Ảnh: CNN |
Hai cô bé Aziza và Dunya đã cười rất vui khi gặp lại phóng viên CNN, nhưng rồi nụ cười đã tắt rất nhanh khi ký ức về những ngày khủng khiếp ùa về.
Trong lúc nói chuyện, đôi mắt Aziza chợt sũng nước. Cô bé giải thích: “Khi tôi nhìn thấy nhà báo, tôi lại nhớ về những chuyện đã xảy ra”.
Trong một năm kể từ khi bỏ chạy khỏi quê nhà, tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của bố cô bé ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Ông Hamad đã không đi lại được nữa.
Trong suốt một giờ đồng hồ tiếp chuyện phóng viên, ông bố của Aziza và Dunya chỉ ngồi im lặng và nhìn chằm chằm vào bức tường. Lần duy nhất ông tham gia câu chuyện là khi nhắc tới hai đứa con trai đã lớn của ông, Fahed và Wahed.
Hai con trai ông được cho là đã bị IS bắt đi trong tháng 8-2014. Kể từ đó tới nay ông không nhận được tin tức gì của chúng.
Em Dunya nói: “Lúc này chúng tôi không có thời gian để nói về tương lai nữa. Tất cả những gì chúng tôi quan tâm bây giờ là khi nào cha chúng tôi có thể tự đi lại được và khi nào hai anh tôi sẽ trở về”.
Người anh trai thứ ba của hai chị em Aziza là Karem, 23 tuổi, đã rời Iraq ngay sau khi cả gia đình đi khỏi núi Sinjar để theo đoàn người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu.
Thabit và con trai anh - Ảnh: CNN |
Trong trao đổi với CNN, Karem cho biết ban ngày anh học tiếng Đức ở trường còn ban đêm anh làm việc nhiều giờ tại một dây chuyền lắp ráp trong nhà máy.
Khi được hỏi anh có còn nhớ Iraq và gia đình ở Sinjar không, Karem đáp không chút ngần ngừ: “Không, chuyện đó qua rồi. Tôi đã mất Iraq và Sinjar. Tôi muốn gây dựng một cái gì đó cho bản thân và tương lai mình. Tôi không thể làm được gì ở Iraq. Tôi sẽ không để tuột mất cơ hội này”.
Gần như mọi trách nhiệm trong gia đình bây giờ đổ lên vai một người anh trai khác là Thabit. Ngoài ra Thabit còn có vợ và ba con nhỏ phải chăm lo.
Thabit cho biết thật may khi anh có thể tìm được công việc làm thợ sửa chữa ô tô trong một thị trấn ở ngay bên ngoài trại tị nạn. Nhưng anh thừa nhận có rất ít hy vọng có thể đưa cả nhà sớm trở về Sinjar.
Anh nói: “Ngay cả khi lực lượng người Kurd giải phóng được Sinjar, việc trở về của chúng tôi vẫn sẽ rất khó khăn vì ở đó không có điện, nước và cũng không có dịch vụ. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ vẫn phải ở đây ít nhất một năm nữa”.
Gia đình của cô bé Azazi chỉ là một trong số rất nhiều gia đình có cảnh ngộ tương tự.
Chính quyền tự trị người Kurd cho biết đã có khoảng 400.000 người Yazidi phải lìa bỏ nhà cửa do sự bành trướng của lực lượng IS năm 2014.
Dù không có nhiều thời gian nhưng Thabit vẫn nán lại để xem thước phim quay cảnh gia đình anh đã di tản một năm trước trên trực thăng rời khỏi núi Sinjar.
Những hình ảnh và ký ức chưa xa làm người đàn ông bật khóc. Anh nói: “Tôi chỉ muốn bắt đầu một cuộc sống mới. Và tôi muốn gia đình mình được sống an toàn và được ở bên nhau”.
Cô bé Aziza năm nay 15 tuổi và đã cao hơn chị gái một chút. Hơn một năm trôi qua sau ngày chạy loạn, cô bé vẫn còn ám ảnh rất nhiều.