Sự thắc mắc ở đây là giá thành rất cao của UAV, với tổng chi phí 160 triệu USD thì tính bình quân mỗi chiếc máy bay không người lái này được Israel bán với giá trên 53 triệu USD, tức là tương đương với Su-30MK2.
Hãy thử xem chi phí phải bỏ ra để sở hữu một phương tiện như thế này có hợp lý.
Máy bay không người lái Eitan (Heron TP) là một phương tiện hàng không có kích thước rất lớn với chiều dài 14 m, sải cánh 26 m, trọng lượng cất cánh tối đa 5.400 kg và mang được tải trọng hữu ích 2.700 kg trong đó tải trọng vũ khí là 1.000 kg, đây là những con số rất đáng kể và không thua kém gì MQ-9 Reaper của Mỹ.
Quan trọng hơn là tính năng kỹ chiến thuật của UAV Eitan rất ưu việt, thậm chí vượt trội so với người anh em Heron 1, đó là nó đạt tới trần bay 14.400 m, tầm hoạt động trên 7.400 km với thời gian bay liên tục trên không hơn 30 giờ.
Đây là một phương tiện thiên về do thám tầm cao có khả năng trinh sát, giám sát, đánh giá thiệt hại, phát hiện mục tiêu, tiếp nhiên liệu trên không, thu thập thông tin tình báo, cảnh báo tên lửa từ xa, thậm chí là trực tiếp chiến đấu.
Hệ thống trinh sát của của UAV Eitan rất mạnh và toàn diện bao gồm radar tuần tra biển (MPR), radar khẩu độ tổng hợp (SAR), hệ thống tình báo điện tử (ELINT/ COMINT), kết hợp với các thiết bị quang điện tử cho phép theo dõi tình hình trong mọi điều kiện thời tiết. Hình ảnh và thông tin sẽ được truyền theo thời gian thực về trung tâm điều khiển.
Chiếc máy bay không người lái này có thể mang theo tới 4 tên lửa không đối đất Nimrod trong mỗi phi vụ chiến đấu, tạo ra sức tấn công mặt đất cực mạnh không thua kém gì những chiếc cường kích chuyên nghiệp.
Ngoài ra còn một vấn đề nữa không thể bỏ qua, đó là Israel là một đối tác rất "dễ chịu", họ luôn sẵn lòng cung cấp cả công nghệ chế tạo một phần hoặc toàn bộ cho khách hàng.
Đây là điều rất cần thiết đối với Việt Nam khi chúng ta đang từng bước xây dựng ngành chế tạo máy bay không người lái mà các nguyên mẫu đang được Viettel sản xuất là những ví dụ rõ nét.
Theo Tùng Dương (Đất Việt)