Hãng thông tấn Đức Deutsche Welle (DW) mô tả những động thái trên là "sự hắt hủi nghiêm trọng" khi Mỹ vẫn còn là cường quốc quân sự có ảnh hưởng thống trị ở Trung Đông.
Theo DW, ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt sang Ukraine vào cuối tháng 2, các quan chức Mỹ được cho đã cố gắng sắp xếp một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman. Tuy nhiên, ông Bin Salman đã từ chối nhận cuộc gọi. Song, ngay sau đó, vị thái tử này đã có các cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng tiếp theo.
Nhà Trắng bác bỏ thông tin về việc các cuộc gọi của ông Biden đã bị từ chối. Nhưng một số nhà quan sát coi đây là sự cố mới nhất về thời kỳ đặc biệt lạnh giá trong quan hệ giữa Mỹ với một số nước xuất khẩu dầu mỏ thân cận nhất ở Trung Đông. Trước đó, Tổng thống Biden từng gọi Ảrập Xêút là “một quốc gia bị bài xích” vì liên quan đến vụ sát hại nhà báo lưu vong Jamal Khashoggi năm 2018.
Xung đột Nga - Ukraine khiến Mỹ nhận ra họ cần Ảrập Xêút và các nước Trung Đông khác một lần nữa. Mỹ và châu Âu muốn các nước đối tác trong khu vực bơm thêm dầu mỏ ra thị trường để hạ giá năng lượng toàn cầu, ủng hộ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm phản đối chiến dịch tấn công Ukraine và hỗ trợ bằng các lệnh trừng phạt Moscow.
Tuy nhiên, các nước Trung Đông tỏ ra lưỡng lự. Những nước giàu dầu mỏ như Ảrập Xêút và UAE gần như vẫn gắn chặt với giới hạn về sản lượng dầu thô theo thỏa thuận đạt được trước đó của nhóm OPEC+, bao gồm cả Nga. Các siêu du thuyền, máy bay tư nhân và tài sản của các nhà tài phiệt Nga cũng đang tránh được việc bị tịch thu ở UAE. Các nước khác trong khu vực, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ như Iraq, Jordan và Israel, đã từ chối bỏ phiếu chống lại Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Cảm giác bị bỏ rơi
Theo giới phân tích, có một số nguyên nhân khiến Mỹ, một nước có ảnh hưởng lớn ở Trung Đông suốt nhiều thập kỷ, không thể thuyết phục các đồng minh trong khu vực đứng về phía họ trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Kể từ khi kết thúc Thế chiến hai, Mỹ đã đánh đổi sức mạnh quân sự để lấy sự đảm bảo an ninh năng lượng từ khu vực. Một báo cáo hồi tháng 4 của Hội đồng quan hệ đối ngoại Châu Âu (ECFR) chỉ ra rằng, Mỹ "vẫn là nước đảm bảo an ninh chiếm ưu thế và nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất cho khu vực”. Washington vẫn duy trì nhiều căn cứ quân sự lớn ở khắp Trung Đông, với khoảng 45.000 - 60.000 nhân viên đồn trú, nhiều hơn sự hiện diện quân sự của các quốc gia khác.
Tuy nhiên, khi Mỹ bắt đầu tự khai thác dầu mỏ ở trong nước (kể từ năm 2019, xứ sở cờ hoa đã xuất khẩu nhiều xăng dầu hơn nhập khẩu), Washington ít coi trọng các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông hơn.
Ông Aaron D. Miller, cựu cố vấn chính sách đối ngoại cho Chính phủ Mỹ đang là thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế nhận định, trong hơn 20 năm qua, dù Mỹ chưa rút khỏi Trung Đông, nhưng các ưu tiên của nước này đã thay đổi. Theo ông, các đối tác của Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt là Ảrập Xêút và UAE, đã nhận ra sự giảm sút chú ý của Washington và tìm cách tiếp cận những nước khác.
Ví dụ, Trung Quốc cho đến nay là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và vào năm 2020, 47% lượng nhiên liệu nhập khẩu của nước này đến từ Trung Đông. Siêu cường châu Á đã và đang củng cố các mối quan hệ ở đây, kể cả hỗ trợ phát triển tên lửa đạn đạo ở Ảrập Xêút, mua lại các cơ sở sản xuất dầu và đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Iraq.
Bilal Saab, giám đốc Chương trình quốc phòng và an ninh tại Viện Trung Đông ở Washington xác nhận, các nước Trung Đông có các lợi ích riêng và Mỹ không phải là "quốc gia duy nhất tham gia cuộc chơi". Họ còn có những lựa chọn khác, dù có thể không tốt bằng Mỹ nhưng luôn tồn tại ở đó.
Tuy nhiên, khi chiến sự ở Ukraine kéo dài và tình hình kinh tế toàn cầu xấu đi (một phần do giá dầu tăng cao), Mỹ đang cố gắng giành lại nền tảng mà họ đã mất vào tay các nước khác như Trung Quốc hay Nga.
Một phái đoàn cấp cao Mỹ, do Phó Tổng thống Kamala Harris dẫn đầu đã đến thăm UAE hồi giữa tháng 5 và gặp gỡ nhà lãnh đạo Mohammed bin Zayed Al Nahyan. Truyền thông Mỹ mới đây đưa tin, Tổng thống Biden sẽ đích thân công du Ảrập Xêút vào giữa tháng 7 để gặp Thái tử Mohammed bin Salman, điều ông dường như từng e ngại.
Hợp tác đôi bên cùng có lợi
Theo ông Miller, để có thể thuyết phục Trung Đông đứng về phía Mỹ trong xung đột Nga - Ukraine, Washington không nên gây áp lực với các nước trong khu vực, nhất là khi liên quan đến lợi ích quốc gia thiết yếu của họ. Thay vào đó, Washington cần "quản lý liên minh một cách khôn ngoan, lão luyện" với các đề xuất hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Chuyên gia Saab tin, một trong những lĩnh vực hợp tác tiềm năng như vậy là xây dựng hệ thống phòng không và tên lửa tích hợp. Đây là điều mà các quốc gia như Ảrập Xêút và UAE đang cần sau khi các cuộc tấn công tên lửa từ Yemen từng khiến Ảrập Xêút phải tạm ngưng sản xuất tới một nửa sản lượng dầu năm 2019.
Ông Saab hy vọng, Washington sẽ "thiết lập lại" mối quan hệ với các đối tác Trung Đông quan trọng, vì mô hình "đổi dầu lấy bảo đảm an ninh" Mỹ từng áp dụng trước đây không còn hiệu quả nữa. Theo ông, đó là "mối quan hệ hợp tác mới theo các điều khoản mới, trong đó mỗi bên đều có nghĩa vụ và trách nhiệm với các lợi ích an ninh tập thể và khu vực". Điều này sẽ giúp kéo dài danh sách các nước sẵn sàng áp trừng phạt Nga cũng như tạo thêm lợi thế cho Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)