Hơn 200 người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom xe ở Baghdad hôm Chủ nhật vừa qua (3/7). Và đó mới chỉ là một trong số 11 vụ tấn công khác nhau được cho là do Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra trong tháng lễ Ramadan năm nay.
Nỗi đau của người thân những nạn nhân trong vụ khủng bố ở Baghdad (Iraq) hôm 3/7 khiến hơn 200 người thiệt mạng. |
Trước đó, IS từ tháng 5 đã kêu gọi lấy tháng chay Ramadan làm trọng điểm của các cuộc tấn công. Điều đáng nói là không chỉ trong năm nay, mà nhiều năm qua tháng lễ này đều là thời điểm diễn ra hàng loạt vụ bạo lực đẫm máu. Năm ngoái, xung đột leo thang và bạo lực đã phủ bóng lên tháng Ramadan với một chuỗi những cuộc tấn công ở Syria, Pakistan, Nam Sudan và Iraq. Câu hỏi là tại sao những kẻ cực đoan lại chọn tháng Ramadan?
Ramadan – “Tháng của những cuộc chinh phục”
Những kẻ cực đoan gọi Ramadan là “fi sabil Allah” (Con đường của Thánh Allah), đề cập đến việc Nhà tiên tri Muhammad tiến hành cuộc thánh chiến đầu tiên của mình trong tháng chay Ramadan năm 624 (Trận chiến Badr). Tám năm sau, Muhammad cũng chinh phục thánh địa Mecca trong tháng Ramadan. Mecca là thành phố có đền thờ Kaaba, nơi linh thiêng nhất của các tín đồ Hồi giáo.
Chính vì điều đó, những cuộc tấn công của IS theo tư tưởng của chúng, còn mang nhiều ý nghĩa hơn các hành động quân sự thông thường. Nó giống như một niềm tin, một cuộc chiến theo kiểu nghi lễ.
Và mặc dù những người Hồi giáo được xem là tín đồ chân chính không chấp nhận những “nghi lễ” theo kiểu vậy, đó lại là cách suy nghĩ không thể tách rời trong những thành phần cực đoan.
Abdullah Azzam được xem là “cha đẻ của các cuộc thánh chiến hiện đại” sau khi ông này cầm đầu các chiến binh nước ngoài gốc Ả Rập ở Afghanistan thực hiện tấn công trong những năm 1980. Azzam cho rằng “từ bỏ các cuộc thánh chiến cũng giống như bỏ ăn chay và cầu nguyện vậy”.
Ramadan quan trọng vì người Hồi giáo tin rằng đó là giai đoạn Nhà tiên tri Muhammad tiết lộ quyển kinh Koran. Trong tháng Ramadan, người đạo Hồi sẽ làm những điều tốt đẹp, từ một cái mỉm cười với người khác cho đến công tác từ thiện, giúp đỡ... Họ tin rằng điều này sẽ giúp họ nhận được một phần thưởng khi sang thế giới bên kia.
Thế nhưng trong tư tưởng của những người cực đoan, nếu Ramadan là thời điểm cầu nguyện và ban ơn, thì không lý do gì lại không thêm máu đổ...
Theo An Hy (Hanoimoi.com.vn)