Vì sao tân Giáo hoàng chọn tông hiệu là Leo XIV?

09/05/2025 14:55:58

Lần đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội, một người Mỹ đảm nhận ngôi vị tối cao và thông điệp kết nối sẽ được thể hiện như thế nào qua tên gọi Leo XIV?

Ngày 8/5, Giáo hội Công giáo đã chứng kiến một cột mốc lịch sử khi Hồng y Robert Francis Prevost được bầu làm Giáo hoàng thứ 267. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội, một người Mỹ đảm nhận ngôi vị tối cao này.

Tân Giáo hoàng chọn tông hiệu là Leo XIV. Tên gọi Leo đã được 13 Giáo hoàng tiền nhiệm sử dụng và cái tên phổ biến thứ 4 được các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã lựa chọn từ trước tới nay.

Trong số 13 giáo hoàng chọn tông hiệu Leo, 5 người đã được phong thánh, gồm các Thánh Leo I, Leo II, Leo III, Leo IV và Leo IX.

Vì sao tân Giáo hoàng chọn tông hiệu là Leo XIV?
Hồng y Robert Francis Prevost được bầu làm Giáo hoàng thứ 267, lấy hiệu là Leo XIV.

 

Người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã gần đây nhất chọn tông hiệu này là cố Giáo hoàng Leo XIII, tại vị từ năm 1878 cho tới khi qua đời vào năm 1903. Đức Giáo hoàng Leo XIII là người kiên quyết bảo vệ quyền lợi của người lao động. 

Phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni xác nhận tân Giáo hoàng chọn tông hiệu này để gợi nhớ Giáo hoàng Leo XIII và học thuyết xã hội của nhà thờ (chú trọng đến vai trò của con người trong xã hội như gia đình, nghề nghiệp, thương mại, kinh tế, chính trị, vấn đề nóng của thời đại), đặc biệt là thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự), được coi là thông điệp xã hội đầu tiên của Giáo hội Công giáo.

Ông Bruni cho biết cái tên Leo là sự ám chỉ có chủ đích đến “đàn ông, phụ nữ, công việc của họ và những người lao động trong thời đại trí tuệ nhân tạo”, và việc tông hiệu Leo xuất hiện một lần nữa giống như sợi dây liên kết tốc độ thay đổi của công nghệ hồi thế kỷ XIX với thời đại hiện nay, đồng thời nhắc tới những người đàn ông và phụ nữ, công việc của họ và những người lao động trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.

Tên Leo bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là “sư tử”, tượng trưng cho sức mạnh và lòng dũng cảm. Trong bài phát biểu từ ban công, Leo XIV cho biết giáo hội vẫn có thể nghe thấy “tiếng nói yếu ớt nhưng luôn can đảm của Giáo hoàng Francis”, người tiền nhiệm của ngài.

Minh Ngọc (SHTT)

Nổi bật