Vì sao siêu bão Helene gây thiệt hại kinh hoàng 'như tận thế' dù đã tiến sâu vào đất liền?

01/10/2024 11:09:40

Các nhà khoa học tìm cách lý giải nguyên nhân bão Helene gây thiệt hại lớn ở các khu vực như phía Tây bang Bắc Carolina, dù đã di chuyển vào sâu trong đất liền.

Vì sao siêu bão Helene gây thiệt hại kinh hoàng 'như tận thế' dù đã tiến sâu vào đất liền?
Thiệt hại tài sản ở Horseshoe Beach, bang Florida (Mỹ) sau khi bão Helene đổ bộ (Ảnh: AFP/Getty)

Giáo sư ngành khoa học trái đất và hành tinh Dev Niyogi so sánh bão Helene với siêu bão Katrina, đánh giá cả hai sẽ còn được nghiên cứu sâu rộng trong nhiều năm tới. Bão Katrina gây thiệt hại lớn tại thành phố New Orleans và khu vực lân cận hồi năm 2005, và là một trong những cơn bão gây thiệt hại nặng nề nhất về tài sản và tính mạng của người dân Mỹ.

Bão Helene đổ bộ vào Florida hôm 26/09 và tiếp tục di chuyển hàng trăm km trong đất liền, gây mưa lớn trong khu vực rất rộng ở miền Nam nước Mỹ. Sức gió của bão suy giảm khi đi vào đất liền, giống như hầu hết các cơn bão khác, khi chúng không còn tiếp cận với nước biển.

Tuy vậy, lượng mưa quá lớn tại các khu vực từ thành phố Atlanta tới miền Nam dãy Appalachia đã giúp bão Helene duy trì năng lượng, gây ra sức tàn phá khủng khiếp, theo giáo sư Niyogi .

"Nếu chúng ta có thời tiết ẩm trên nền đất nóng, vậy thì chúng ta đã có đủ điều kiện để một cơn bão duy trì sức mạnh," Niyogi giải thích. Giới khoa học gọi hiện tượng này là hiệu ứng nâu-đại dương, bởi mặt đất đẫm nước có thể gây ảnh hưởng tới một cơn bão giống như mặt biển.

Giới khoa học từ lâu cho rằng hiệu ứng nhà kính sẽ gây ảnh hưởng tới sức mạnh của bão, trong bối cảnh trái đất nóng lên, theo Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ.

Các cơn bão được dự đoán sẽ gây lũ lụt tại các vùng ven biển, do nước biển dâng cao. Bão cũng gây mưa lớn hơn, do không khí nóng có thể mang theo lượng nước lớn. Cường độ của các cơn bão cũng tăng cao, bởi chúng xuất hiện trên các vùng biển nóng hơn.

Helene khi mới hình thành chỉ là bão cấp 1, nhưng sau đó tăng lên cấp 4 chỉ trong một ngày, do nước biển ở vịnh Mexico quá nóng. Những cơn bão tăng cấp chóng mặt như vậy xuất hiện và đổ bộ vào Mỹ ngày càng nhiều trong bảy năm qua, theo New York Times.

Giới khoa học không cho rằng số lượng cơn bão sẽ tăng khi trái đất nóng lên. Tuy vậy, các cơn bão sẽ tăng cường độ rất nhanh, theo đánh giá của  Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ.

Một nguyên nhân khác khiến bão Helene có sức tàn phá khủng khiếp là những cơn mưa lớn xuất hiện ngay trước khi bão đổ bộ. Hôm 26/09, mưa lớn xảy ra tại bang Georgia, khiến giới khoa học tại đây lo ngại người dẫn sẽ cho rằng bão đã đổ bộ vào đất liền.

Thực tế, thời điểm mưa lớn bắt đầu, tâm bão vẫn ở Vịnh Mexico. Tiến sĩ Marshall Shepherd, giám đốc chương trình khoa học khí quyển của Đại học Georgia cho biết ông lo ngại người dân sẽ chủ quan trước khi bão đổ bộ.

Bên cạnh đó, mưa lớn trước bão cũng khiến thiệt hại gia tăng đáng kể. Nước mưa làm bùn đất sạt lở, khiến nhiều khu vực dễ bị lũ lụt tàn phá sau bão. Ngoài ra, lượng nước dưới mặt đất có thể bốc hơi khi bão đổ bộ, khiến bão duy trì sức mạnh thay vì suy yếu.

Tiến sĩ Shepherd và các đồng nghiệp đang nghiên cứu hiệu ứng nâu-đại dương để đánh giá mối liên hệ giữa điều kiện trên mặt đất và sức mạnh của một cơn bão. Trong quá khứ, giới khoa học cho rằng hiện tượng nước bốc hơi đã giúp bão Ida duy trì sức mạnh sau khi đổ bộ vào đất liền hồi năm 2021.

"Thay vì suy yếu, các cơn bão vẫn duy trì sức mạnh, trong một số trường hợp thậm chí còn mạnh lên," Shepherd cho biết.

Kiến thức mới về hiệu ứng nâu-đại dương có thể giúp ngành khí tượng dự báo lượng mưa để người dân và quan chức quản lý cơ sở hạ tầng chuẩn bị tốt hơn, Shepherd đánh giá. Khi đó, dư luận sẽ hiểu rằng những cơn bão không chỉ là mối lo cho người dân sống tại các vùng duyên hải.

Hoài An (SHTT)