Xe tăng Type-99 của quân đội Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Quân ủy Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh định hướng chung trong đó có việc sắp xếp lại 4 cơ quan lớn gồm: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Quân bị, đồng thời giảm số đại quân khu từ 7 xuống còn 4.
Theo Global Security, Liên Xô có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của PLA. Những năm 1950, Moscow cử hàng nghìn chuyên gia sang giúp tổ chức lực lượng, đào tạo, xây dựng nhà máy, chuyển giao công nghệ chế tạo các khí tài chủ chốt.
Binh lính quân đội Trung Quốc. Ảnh: Wired |
Học thuyết quân sự của Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ Liên Xô nên tập trung vào xây dựng lực lượng mặt đất quy mô lớn. Trang thiết bị vũ khí được phát triển theo tiêu chí bền, dễ chế tạo, sử dụng, đơn giản và bảo trì ngay ở điều kiện chiến trường theo tiêu chuẩn Liên Xô.
Cơ cấu tổ chức lực lượng dựa trên lính nghĩa vụ với thời gian quân ngũ khoảng hai năm. Thập niên 70-80 của thế kỷ trước, PLA có quy mô tới 11 đại quân khu trở thành lực lượng quân sự có quân số lớn nhất thế giới.
Đến những năm 1990, quân đội Mỹ bắt đầu áp dụng nhiều chiến thuật tác chiến mới. Họ sử dụng nhiều vũ khí dẫn đường công nghệ cao, đặc biệt là tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk kết hợp với các đợt không kích quy mô lớn để tiêu diệt sức mạnh đối phương.
Việc Mỹ áp dụng vũ khí dẫn đường công nghệ cao đã làm thay đổi cơ bản chiến trường hiện đại so với trước. Các nước lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và phương Tây tập trung vào xây dựng quân đội mang tính chuyên nghiệp, đào tạo bài bản, trang thiết bị vũ khí hiện đại.
Học thuyết quân sự của Mỹ tập trung phát triển mạnh không quân và hải quân, tinh giảm biên chế bộ binh, dựa vào công nghệ và nhân sự chất lượng cao để phát triển sức mạnh thay vì tập trung vào quân số đông.
Các nước phương Tây tập trung phát triển các loại máy bay tàng hình, máy bay không người lái, tàu khu trục thế hệ mới, vũ khí năng lượng định hướng để nâng cao sức mạnh. Giới phân tích quân sự nhận định, chiến trường tương lai là những cuộc đụng độ diễn ra ở trên không, trên biển.
Trong khi đó, Trung Quốc mặc dù đã hiện đại hóa quân đội, phát triển nhiều mẫu vũ khí mới nhằm bắt kịp xu thế của thời đại, PLA vẫn duy trì quân số nghĩa vụ cồng kềnh với quy mô tới 2,3 triệu quân.
Việc duy trì quân số thường trực lớn khiến PLA phải tiêu tốn khoản ngân sách không nhỏ cho công tác nuôi quân. Bên cạnh đó, quân đội nước này có quá nhiều các đơn vị không chiến đấu như lái xe, văn công tạo thêm gánh nặng cho ngân sách.
Tình trạng tham nhũng, đào tạo kém làm suy giảm tinh thần chiến đấu và tính kỷ luật trong quân đội. Điều quan trọng là PLA vẫn duy trì học thuyết quân sự tập trung vào lực lượng mặt đất. Năng lực tác chiến có bước phát triển đáng kể nhưng vẫn giới hạn ở trong nước và các vùng biển ven bờ.
Ngay tại Nga, quốc gia có ảnh hưởng lớn với quân đội Trung Quốc cũng đang chuyển đổi mô hình hoạt động theo kiểu phương Tây. Trước sự thay đổi của tình hình thế giới, việc duy trì mô hình cũ rõ ràng không còn phù hợp.
Phát biểu với cán bộ cấp cao hồi tháng 4/2013, bản thân ông Tập Cận Bình phải thừa nhận rằng: “Chiến tranh nổ ra trong điều kiện kỹ thuật cao phức tạp có Mỹ tham chiến thì quân đội Trung Quốc chưa thể thích ứng được”.
Tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: China Military |
Trong nhiều năm kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng và vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Sức mạnh quân đội nước này ngày càng tăng theo tốc độ phát triển kinh tế.
Trung Quốc đã đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên, phát triển nhiều loại tàu chiến, tàu ngầm hạt nhân, máy bay tàng hình và nhiều vũ khí hiện đại khác. Tuy nhiên, Hải quân Trung Quốc chưa phải “lực lượng hải quân nước xanh” (lực lượng có khả năng tác chiến xa bờ dài ngày).
Hạn chế khác là Trung Quốc không có căn cứ quân sự ở nước ngoài, điều đó khiến việc triển khai lực lượng viễn chinh rất khó khăn. Trong khi đó, quân đội Mỹ có căn cứ ở khắp nơi trên thế giới nên việc triển khai lực lượng viễn chinh khá dễ dàng.
Shen Dingli, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan, Thượng Hải cho rằng, Trung Quốc nên học theo Mỹ xây dựng các căn cứ quân sự ở nước ngoài nhằm tương xứng với sức mạnh ngày càng tăng.
Gần đây, Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận với Djibouti để xây dựng căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên. David Finkelstein, giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Viện nghiên cứu độc lập CNA, Arlington, Texas, Mỹ nhận xét, việc xây dựng căn cứ ở nước ngoài cho thấy Trung Quốc đang cố gắng để bắt kịp với lợi ích quốc gia ngày càng mở rộng.