Lực lượng mỏng, hợp tác quốc tế yếu và chính sách đi lại tự do giữa các nước châu Âu là những nguyên nhân khiến tình báo Pháp thất bại trong việc ngăn chặn khủng bố ở Paris.
|
Đội cảnh sát đặc nhiệm chống khủng bố RAID của Cảnh sát quốc gia Pháp trong một bài tập chống khủng bố. Ảnh: Telegraph |
7 tên khủng bố, có thể là 9, đã thực hiện một cuộc tắm máu ở 7 địa điểm khác nhau ở Paris khiến 129 người thiệt mạng. Phát ngôn viên của đảng Xã hội Pháp thừa nhận đã có sự thất bại trong công tác tình báo và các biện pháp giám sát tăng cường sau sự kiện Charlie Hebdo không hiệu quả.
Nic Robertson, phóng viên quốc tế cao cấp của CNN, đã chỉ ra những lỗ hổng trong công tác an ninh và tình báo của Pháp – một quốc gia được ca tụng như là “cường quốc chống khủng bố”.
Khủng bố sử dụng phương pháp mới
Ông Robertson lập luận, tại sao tình báo Pháp không phát hiện được kế hoạch tấn công Paris? Đó có phải là sự thất bại trong hoạt động tình báo, hay những kẻ tấn công đã sử dụng phương pháp mới để tránh bị phát hiện. Phóng viên kỳ cựu đã chỉ ra 2 lý do cho vấn đề này.
Thứ nhất, những kẻ tấn công đã sử dụng phương tiện liên lạc đã được mã hóa. Thứ hai, chúng đã khai thác những lỗ hổng trong công tác giám sát để lẻn vào nước Pháp mà không bị phát hiện.
|
Salah Adbeslam nghi phạm chính trong vụ tấn công ở Paris vẫn đang lẩn trốn sự truy đuổi của cảnh sát. Ảnh: CNN |
Chính sách đi lại tự do không cần hộ chiếu
3 trong số những kẻ tấn công ở Paris từng bị cảnh sát Pháp và Bỉ “sờ gáy” vì liên quan đến các hoạt động cực đoan. Tuy nhiên, âm mưu khủng bố đã không được cảnh báo vì chính quyền Pháp hoàn toàn không biết 3 kẻ tình nghi đã xuất hiện ở Paris. Đây có thể là hệ quả từ chính sách miễn thị thực giữa Pháp và 25 quốc gia khác theo Hiệp ước Schengen.
Các công dân trong hiệp ước có thể đi lại tự do khắp châu Âu mà không cần đến hộ chiếu. Nếu công dân các nước từ Iraq hay Syria đến châu Âu thông qua Hy Lạp sẽ được cảnh báo cho cơ quan chức năng các nước khác. Nhưng nếu là công dân Pháp từng đi du lịch đến Iraq hay Syria rồi trở về nước và sau đó đến Bỉ, chính quyền dường như sẽ không quan tâm đến họ trừ khi người đó nằm trong danh sách các nghi can khủng bố.
IS và các tổ chức khủng bố khác đã khai thác triệt để vào chính sách đi lại tự do ở châu Âu. Chúng lôi kéo các công dân Hồi giáo ở châu Âu tham gia vào các hoạt động cực đoan. Điều đó khiến nước Pháp và châu Âu luôn dễ bị tổn thương trước nguy cơ khủng bố.
Bên cạnh đó, châu Âu thiếu một hệ thống giám sát chung những công dân từng đến Syria, Iraq hay các vùng chiến sự khác. Một châu Âu "không biên giới" rõ ràng là quá nguy hiểm trong bối cảnh IS đang vươn vòi khắp thế giới.
Chia sẻ thông tin về nghi can kém
|
Mohammed Abdeslam (anh trai của Salah Adbeslam nghi phạm chính) trả lời phỏng vấn sau khi được cảnh sát Bỉ thả tự do. Ảnh: Independent |
Tổng thống Hollande nói rằng, âm mưu khủng bố được lên kế hoạch từ Bỉ, nhưng Brussel lại không biết những kẻ như anh em Salah Abdeslam và Ibrahim Abdeslam lại là mối đe dọa. Vấn đề này bắt nguồn từ việc thiếu thông tin chia sẻ giữa cảnh sát 2 nước về các phần tử có nguy cơ cao.
Molenbeek – một khu ngoại ô Brussels, được cho là trung tâm chiến binh thánh chiến ở châu Âu. Trước khi xảy ra vụ tấn công ở Paris, cảnh sát Bỉ đã tiến hành một đợt truy quét ở khu Molenbeek nhưng họ không bắt Salah Abdeslam (nghi phạm chính). Cảnh sát Bỉ đã bắt 7 người để thẩm vấn, 5 người sau đó được thả tự do.
Jean-Pascal Thoreau, phát ngôn viên Công tố liên bang Bỉ nói với CNN rằng, họ không có thông tin để về Salah Abdeslam trước khi xảy ra khủng bố ở Paris.
Cảnh sát Bỉ đã không có thêm thông tin để có thể cảnh báo cho nước Pháp. Nhà chức trách nước này thừa nhận, họ không biết những kẻ khủng bố đã trở về từ Syria. Rõ ràng đây là một thất bại lớn giữa Pháp và Bỉ trong việc chia sẻ thông tin vì cả hai nước đều có các vấn đề liên quan đến chiến binh thánh chiến.
Hợp tác quốc tế không tốt
Cảnh sát Pháp cho biết, một trong những kẻ khủng bố được cho là từng chiến đấu ở Syria nhưng làm thế nào những tay súng này có thể trở lại châu Âu mà không bị quản thúc. Bên cạnh đó, dòng người tị nạn từ Trung Đông đổ về châu Âu tạo vỏ bọc cho các phần tử khủng bố lẻn vào các nước để tiến hành các hoạt động tấn công liều chết.
Ismael Omar Mostefai, một trong những kẻ đánh bom tự sát từng bị cảnh sát Pháp thẩm vấn vì các hành vi cực đoan, nhưng không có thông tin liên quan đến khủng bố. Tên này đã trốn khỏi sự giám sát của cơ quan chức năng Pháp để đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã 2 lần đề nghị phía Pháp cung cấp thêm thông tin về Mostefai, lần gần nhất vào tháng 6 nhưng không được phía Paris đáp ứng. Đó là một thất bại nữa của tình báo Pháp trong hợp tác quốc tế với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia được xem là “cửa ngõ” quan trọng để các chiến binh thánh chiến tiến vào châu Âu.
Không đủ nguồn lực
Tổng thống Hollande đã cam kết tăng cường lực lượng an ninh từ 5.000 lên 10.000 người. Tuy nhiên, trong lúc kế hoạch tăng cường lực lượng diễn ra khá chậm thì nước Pháp phải hứng chịu vụ tấn công đẫm máu thứ 2 trong vòng một năm.
Một quan chức tình báo chia sẻ, họ cần 15 đến 20 người để giám sát một nghi can liên tục trong 24 giờ. Trong khi đó, hồ sơ của Cảnh sát Pháp có tới 11.000 nghi phạm, khoảng 5.000 người được cho là có thể tạo ra mối đe dọa với an ninh quốc gia, trong đó có 1.000 trường hợp trở về từ Iraq và Syria.
Cho dù Pháp tăng cường lực lượng an ninh lên con số 10.000 người vẫn không đủ để theo dõi hết các nghi phạm liên tục trong 24 giờ. Trong khi đó, cộng đồng tình báo châu Âu cũng trở nên lo lắng sau vụ thảm sát ở Paris vì họ thực sự không biết những gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhà báo Robertson kết luận.
>> Video mới công bố: IS xối đạn vào nhà hàng ở Paris
>> Nữ khủng bố ở Paris kêu cứu trước khi tự sát
Theo Quốc Việt (Zing.vn)