Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa qua, có 7 quan chức cấp cao tháp tùng Tổng thống Moon Jae-in, trong khi đó, phía Triều cử 9 quan chức hộ tống nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nổi bật nhất là bà Kim Yo-jong- em gái ông Kim.
Vốn gây ấn tượng từ lần sang Hàn Quốc dự khai mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang nên lần tham dự hội nghị lần này bà Kim Yo-jong tiếp tục trở thành một trong những nhân vật thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới.
Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều 27/4, bà Kim Yo-jong là phụ nữ duy nhất có mặt tại bàn đàm phán. Ngoài ra, bà cũng thường theo sát anh trai trong các hoạt động liên quan, đóng vai trò như một phụ tá đắc lực.
Một số ý kiến cho rằng, hội nghị lần này đã cho thấy vai trò quan trọng của bà Kim Yo-jong đối với ngoại giao Triều Tiên.
Theo tiết lộ, bà Kim Yo-jong được đánh giá nằm trong nhóm 20 quan chức hàng đầu của chính quyền Bình Nhưỡng và được xem như là "người gác cổng" cho anh trai.
"Bà ấy có thể là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đối với ông Kim Jong-un, vì ông ấy có rất ít người để tin tưởng", CNN dẫn lời Balbina Hwang, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Georgetown nói.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi cuối tháng 3/2018, từ các bức ảnh và video được đăng tải, không cho thấy có sự xuất hiện của bà Kim Yo-jong. Vậy tại sao một nhân vật có vị trí quan trọng của ngoại giao Triều Tiên lại có sự xuất hiện khác biệt như vậy?
Giới quan sát nhận định, điều này có thể xuất phát từ tính chất quan hệ khác nhau giữa mối quan hệ Trung-Triều và Hàn-Triều.
Tình thân và hữu nghị
Triều Tiên và Hàn Quốc xuất phát điểm vốn cùng một dân tộc, nhân dân hai nước đều tồn tại quan niệm chung về "huyết thống" và có mong muốn mạnh mẽ trong việc cải thiện quan hệ, xây dựng hòa bình, thống nhất quốc gia.
Ý thức dân tộc được cho là điểm tựa quan trọng trong mối quan hệ Hàn-Triều cũng như các chính sách đối ngoại của ông Kim Jong-un.
Là em gái ông Kim, bà Kim Yo-jong xuất hiện ở Thế vận hội Mùa đông 2018 và hội nghị liên Triều vừa qua mục đích là triển khai nước cờ "tình thân" hay nói cách khác, Bình Nhưỡng muốn dùng phương thức "ngoại giao gia đình" để đối thoại với Seoul.
Động thái trở về Triều Tiên dùng bữa trưa sau hội nghị cũng cho thấy, ông Kim Jong-un không coi hội nghị thượng đỉnh liên Triều là cuộc đối thoại giữa hai nước mà chỉ là "cuộc nói chuyện gia đình".
Không khí thoải mái trong khuôn khổ hội nghị cũng được thể hiện từ phía Hàn Quốc. Trước khi vào bàn hội nghị, Tổng thống Moon Jae-in đã hài hước nói với bà Kim Yo-jong rằng: "Ở Hàn Quốc bây giờ cô đã là một ngôi sao rồi đấy!". Câu nói của ông chủ Nhà Xanh khiến em gái ông Kim ngại ngùng đỏ mặt, còn hội trường lại vang tiếng cười tán dương.
Bên cạnh đó, sự thân thiện cũng được thể hiện qua cử chỉ tương tác giữa hai Đệ nhất phu nhân Kim Jung-sook và Ri Sol-ju.
Khác với mối quan hệ với Hàn Quốc, quan hệ Trung-Triều lại thiên về về tình đồng chí, chiến hữu.
Theo giới quan sát, Triều Tiên cần sự hậu thuẫn của Trung Quốc trong nhiều vấn đề và Bắc Kinh cũng được coi là một trong những nhân tố quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Vì thế, chuyến viếng thăm song phương Trung-Triều có xu hướng là cuộc tiếp xúc ngoại giao bình thường giữa hai nước, cho nên hình thức "ngoại giao gia đình" và nước cờ "tình thân" không phù hợp để xử lý quan hệ này.
Trong chuyến công du Trung Quốc hồi tháng 3, đoàn tháp tùng ông Kim Jong-un gồm có phu nhân Ri Sol-ju, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên Choe Ryong-hae, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương ương đảng Lao động Triều Tiên Ri Su-yong, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho.
Phía Trung Quốc, đội ngũ quan chức chịu trách nhiệm nghênh đón phái đoàn Triều Tiên gồm Bí thư Ban Bí thư Vương Hỗ Ninh, Chủ nhiệm văn phòng trung ương Đinh Tiết Tường, Trưởng ban liên lạc đối ngoại trung ương Tống Đào. Ngoài ra, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cũng tham gia các hoạt động liên quan.
Các quan chức Trung-Triều tham dự hội nghị đều là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư hay Phó Ủy viên trưởng.
Trong khi đó, theo thông tin công khai, bà Kim Yo-jong hiện là Uỷ viên dự khuyết của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên. Điều này đồng nghĩa, bà chưa đủ điều kiện về cấp bậc để tham gia hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Giới phân tích cho rằng, dù Trung-Triều có mối quan hệ hữu nghị truyền thống nhưng không có quan hệ "dân tộc" nên việc đưa em gái tham dự sẽ không phù hợp, trong khi với cuộc "đối thoại gia đình" Triều- Hàn thì việc em gái tháp tùng anh trai sẽ hợp lý hơn.
Theo Thủy Thu (Soha/Thời Đại)